Trang chủ / Văn Mẫu THCS / Văn lớp 9 / Nghị luận về an toàn giao thông, bài văn NLXH về ATGT trong học đường lớp 9

Nghị luận về an toàn giao thông, bài văn NLXH về ATGT trong học đường lớp 9

Cùng với nhịp độ đổi thay nhanh chóng của đất nước, công cuộc hiện đại hóa đã mở ra cho chúng ta những điều kiện vật chất tốt đẹp mà cầu đường là một minh chứng điển hình. Đường xá hiện đại, sạch đẹp khiến việc đi lại của con người trở nên vô cùng dễ dàng, tuy nhiên đằng sau mặt tích cực đó lại tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường. Đường xá phát triển nhưng đồng thời vấn nạn giao thông lại trở thành một chủ đề nóng trong suốt những năm gần đây.

An toàn giao thông từ lâu đã trở thành một trong những mối quan tâm trọng yếu của chính phủ và người dân. Việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người đi đường và hạn chế những tai nạn giao thông là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG

Một trong những chủ trương phát triển của nước ta là phải hoàn thành được “Điện, đường, trường, trạm”. Cùng với việc xây dựng mạng lưới điện, trường học và trạm y tế, những con đường là một trong những vấn đề cốt yếu giúp đất nước phát triển hơn. Thế nhưng giao thông phát triển lại mang theo vấn đề vốn vô cùng nan giải. Giáo dục về an toàn giao thông chính là cách nâng cao dân trí của người tham gia giao thông.

An toàn giao thông có thể hiểu là sự an toàn của mỗi người khi tham gia giao thông. Ngày nay trên báo đài hoặc truyền thông công cộng, ta vẫn có thể dễ dàng nghe được những thông tin về các vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc. Thống kê đã chỉ ra rằng trung bình mỗi ngày có khoảng 10 người bước ra khỏi nhà và mãi mãi không bao giờ quay về nhà nữa. Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia chỉ ra rằng chỉ 8 tháng đầu năm 2017, đã có gần 13.000 vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, cướp đi mạng sống của hơn 5.000 người và khiến hơn 10.000 người khác bị thương. Những con số giật mình đó thật sự đã thức tỉnh mỗi chúng ta về ý thức tham gia giao thông. Những vụ tai nạn giao thông liên hoàn ngày một diễn ra càng nhiều, sinh mạng con người cũng vì thế mà trở nên mong manh hơn mỗi khi bước ra khỏi cửa. Không những đẩy những phận người vào chỗ chết hoặc không thì cũng tổn hại đến sức khỏe và tinh thần, chúng còn khiến những người thân của họ phải vác trên vai gánh nặng, gieo nỗi đau thương và tang tóc lên hàng triệu mái nhà trên mảnh đất hình chữ S này.

Nên Xem:  Viết một thông báo ngắn về buổi liên hoan văn nghệ chào mừng Quốc tế Phụ nữ để mời các bạn đến xem

Mất an toàn giao thông hình thành bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng xét cho cùng vẫn chủ yếu do ý thức con người. Không thể phủ nhận việc ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam vô cùng kém. Vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, đua xe trên cao tốc là những vấn đề nan giải mà hàng năm qua chúng ta vẫn loay hoay không có cách nào giải quyết. Tâm lí muốn nhanh chóng khiến nhiều người sẵn sàng vi phạm luật giao thông chỉ để nhanh thêm được vài giây ngắn ngủi nhưng lại chậm cả đời bởi tai nạn giao thông đang rình rập ở mỗi con đường. Hậu quả là hàng ngàn vụ tai nạn đã xảy ra chỉ vì lối tham gia giao thông vô ý thức, vô kỉ luật mà hàng triệu người dân đang làm. Chưa ý thức được cái chết và sự nguy hiểm của lạng lách, đánh võng, vì vậy mà nhiều người vẫn vô tư vi phạm luật giao thông để rồi mang đến hậu quả đau lòng cho người khác và cho chính mình.

Việc mất an toàn giao thông cũng do chất lượng cầu đường của chúng ta chưa đảm bảo. Việc mới là một quốc gia đang phát triển khiến kinh phí đổ vào việc đầu tư những con đường lớn còn ít, nền đất của một nước ở khu vực nhiệt đới còn yếu nên nhiều con đường được xây dựng có chất lượng kém. Những ổ gà, ổ voi xuất hiện là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn cho những người tham gia giao thông nhất là vào mùa mưa lũ.

Không chỉ vậy, có một số doanh nghiệp tư nhân vì muốn tiết kiệm chi phí mà sử dụng những phương tiện đã quá hạn bảo trì. Bởi vậy, chất lượng xe không đảm bảo khiến mỗi cung đường ta đi càng trở nên nguy hiểm hơn và mạng sống con người cũng trở nên ” ngàn cân treo sợi tóc”.

Vì vậy, việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông là quốc sách mà mỗi quốc gia cần trang bị cho mình. Nâng cao chất lượng phương tiện công cộng và khuyến khích người dân tham gia là một giải pháp góp phần giải quyết nạn kẹt xe, tắc đường mỗi giờ cao điểm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc và xử phạt những doanh nghiệp sử dụng xe có chất lượng kém để răn đe. Xét đến cùng, ý thức con người vẫn là điều kiện tiên quyết. Nâng cao ý thức người tham gia giao thông bằng cách mở lớp học hay giáo dục từ khi còn tấm bé là cách chúng ta cải thiện ý thức người đi đường.

Nên Xem:  Dàn ý thuyết minh về con gà lớp 9 chi tiết đầy đủ

An toàn giao thông từ lâu đã trở thành một vấn đề nan giải của mỗi quốc gia, dân tộc. Để giải quyết vấn đề khó khăn này rất cần sự đồng lòng và chung tay góp sức của những người dân và các cấp chính quyền. Là người đi đường thông minh để giảm thiểu tan nạn giao thông là bạn đang góp phần rất lớn vào công cuộc hiện đại hóa và văn minh hóa đất nước.

BÀI LÀM VĂN SỐ 2 NGHỊ LUẬN VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG Ở ĐỊA PHƯƠNG EM LỚP 9

Hiện nay an toàn giao thông là một vấn đề bức thiết được cả xã hội quan tâm. Ở khắp các cung đường đường lớn bé, đâu đâu ta cũng bắt gặp khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông để đem lại an toàn cho mình, hạnh phúc cho gia đình mình và xã hội.

Chúng ta đã quen với cụm từ an toàn giao thông như thế, vậy hiểu như thế nào về an toàn giao thông? An toàn giao thông là các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông, phải có ý thức khi tham gia giao thông. An toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia lưu thông trên các phương tiện đường bộ, hàng hải, hàng không, là sự chấp hành tốt các luật lệ về giao thông, cư xử phù hợp khi lưu thông trên các phương tiện giao thông. An toàn giao thông đang là vấn đề nóng hổi luôn nhận được sự quan tâm của xã hội.

Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta nghe nhiều về hiện trạng tai nạn giao thông. Theo tổ chức Y tế thế giới: “Tai nạn giao thông đã trở thành đại dịch của nhân loại”. Tình hình giao thông nước ta đang ngày càng phức tạp khi số lượng các vụ tai nạn giao thông trong cả nước đang tăng lên một cách chóng mặt trong vòng 10 năm qua. Năm 2013, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cả nước đã xảy ra 29985 vụ tai nạn làm chết 9369 người, bị thương 29500 người bình quân mỗi ngày cả nước có khoảng 30 người chết và 80 người bị thương. Hơn cả chiến tranh, tai nạn giao thông gây ra hậu quả cực kỳ thảm khốc, thiệt hại về người và của cho các cá nhân và cộng đồng xã hội. Nó đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Đặc biệt tai nạn giao thông còn gây ra thiệt hại khổng lồ về kinh tế, chi phí y tế cho người bị thương, chi phí mai táng cho người chết, thiệt hại về phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hao phí thời gian lao động của người tai nạn. Nguyên nhân quan trọng nhất là do ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu hiểu biết, lấy trộm ốc vít đường ray, chiếm lòng đường, ném đá và tàu hỏa, không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông: lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia khi tham gia giao thông,…

Nên Xem:  Cảm thụ văn học bài Ba điều ước – Tiếng Việt 3

Hiểu được thực trạng ấy, mỗi công dân càng hiểu hơn tầm quan trọng của an toàn giao thông. Chấp hành tốt luật lệ an toàn giao thông chính là cách bảo vệ mình, bảo vệ người và phát triển sự văn minh, hiện đại của đất nước. Thực hiện an toàn giao thông cũng là cách giảm tối đa các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, là cách giảm tối các chi phí tốn kém, những thiệt hại không nên có về của cải, vật chất. An toàn giao thông là cần thiết phải có ở mỗi công dân và mỗi quốc gia.

Xã hội ngày càng phát triển, tình hình giao thông ngày càng phức tạp, chúng ta cần mạnh mẽ lên án những người có thái độ và hành động chưa đúng khi tham gia giao thông. An toàn giao thông là trách nhiệm của tất cả mọi người, của toàn xã hội. Các cơ quan chức năng cần qui hoạch giao thông một cách hợp lí: nâng cấp các cơ sở hạ tầng, đặt biển báo biển hiểu, tuyên truyền về luật giao thông nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông trở thành văn hóa giao thông. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm giao thông. An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Học sinh, những người còn đang ngồi trên ghế nhà trường cần chấp hành tốt luật lệ giao thông và góp tiếng nói nhỏ bé của mình để đẩy lùi các vụ tai nạn giao thông trên cả nước.

Vấn đề giao thông ngày càng trở nên bức thiết đòi hỏi mỗi người phải chấp hành tốt luật lệ khi tham gia giao thông. Hãy tham gia giao thông một cách an toàn để góp phần xây dựng cuộc sống bản thân và xã hội.

Nguồn Internet

hochoi.net - Học Hỏi

Có thể sử dụng ctrl + F để copy code nhanh hơn nhé!