Trang chủ / Văn Mẫu THCS / Văn lớp 8 / Phân tích nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Phân tích nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Đề bài: Phân tích nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Bài làm 1

Truyện Lão Hạc được miêu tả và kể lại bằng những tâm sự của nhân vật chính và xung quanh nhân vật chính. Đó là tâm sự của Lão Hạc về con chó, về người con trai của lão, về kiếp người, về cái chết, về mảnh vườn. Đó là tâm sự của ông giáo, của vợ ông giáo, của Binh Tư về thân phận lão Hạc. Có đoạn Nam Cao tả ngoại hình nhân vật bằng những từ tượng hình rất ấn tượng, đó cũng là một gương mặt mang nỗi đau của cõi lòng quặn thắt: (cười như mếu, mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co dúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra…). Đây là một tâm sự đau nhất của một tâm hồn trong trẻo, chân thật: “Thì ra tôi già bằng này tuổi rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”. Sự xuất hiện của các nhân vật khác trong truyện đều không được miêu tả ngoại hình, mỗi người chỉ hiện diện bằng một tâm sự về lão Hạc và bằng một tâm sự của nhà văn về thân phận họ. Có tâm sự hoài nghi, miệt thị của Binh Tư “làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão hạc bởi vì lão lương thiện quá”. Có tâm sự của người con trai lão Hạc, rất thương cha nhưng phải bỏ làng ra đi và mang trong lòng một niềm u uất.

Nhân vật ông giáo trong truyện là một mạch tâm sự có biến động, từ “dửng dưng” đến “ái ngại” “muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc” đến kính trọng.

bàng hoàng: “Hỡi ôi lão Hạc… con người đáng kính ấy”. Sau cùng là thái độ vững tin thầm lặng, bền bỉ, sáng ngời vào nhân cách của lão Hạc. Lão Hạc kết thúc đời mình trong khung cảnh “nhốn nháo”, “chẳng ai hiểu” của dư luận, nhưng câu chuyện lại truyền đi một thông điệp cuối cùng, thông thiết, son sắt như một lời thề: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt… Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn”.

Cốt truyện lão Hạc thể hiện trực tiếp tấm lòng của nhà văn về con người, một quan niệm nghệ thuật đựơc thể hiện thành một mạch tâm sự rung động của các mạch tâm sự, để hiện ra một tâm thế của người nông dân.

Lão Hạc là chân dung của một tâm hồn lão nông Việt Nam “đáng kính”, nói theo ngôn ngữ của nhân vật ông giáo trong truyện. Phần đáng kính ấy là cõi lòng của lão, một khối tâm sự nhức nhối bởi sự vò xé, xô đẩy không nguôi giữa một bên là cảnh đời túng quẩn, với một bên là cõi lòng lão Hạc đôn hậu, trong sáng.

Cảm hứng nổi bật của Nam Cao trong truyện ngắn lão Hạc là khẳng định mãnh liệt về tình thương, niềm tin đối với con người. Lão Hạc tin vào đứa con của mình, lão tin vào con trai lão sẽ trở về.

Có lần lão nói một cách rất ấn tượng làm người nghe phải run lên: “Nếu kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người… kiêp người như kiếp tôi chẳng hạn!…” Lão hồn nhiên và trung thực, tự trọng, đến mức trong trẻo: “tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”. Và ngay cả khi chết lão cũng tính toán kĩ bằng ý thức trung thực và tự trọng.

Đặc sắc của Nam Cao trong việc diễn đạt về người nông dân lao khổ là ở chỗ đó. Đây là một “dụng công” nghệ thuật của nhà văn. Con chó gắn với kỉ niệm đau buồn và dục vọng hạnh phúc của lão Hạc về đứa con, gắn với nỗi ân hận cao thượng về đức tính trung thực, về triết lý chua chát quanh kiếp người.

Bài làm 2

Nam Cao là một nhà văn xuất sắc trong nền văn học Việt Nam, các tác phẩm của ông thường về những truyện ngắn, truyện dài, tập trung chủ yếu về những người nông dân nghèo có mảnh đời bất hạnh, bị vùi dập cả về thể xác lẫn tinh thần, sống mòn mỏi trong xã hội phong kiến thối nát xưa. Trong đó, “Lão Hạc” được coi là truyện ngắn tiêu biểu nhất cho những người nông dân nghèo khổ, nhân vật lão Hạc – nhân vật chính của tác phẩm chính là hiện thân của sự đau thương này.

Lão Hạc là một người nông dân vô cùng nghèo khổ, vợ ra đi từ rất sớm, một mình ông nuôi con lớn khôn. Tài sản của ông không có gì ngoài ba sào vườn, một túp lều nhỏ và một chú chó vàng. Lão còn nghèo đến nỗi không có đủ tiền để cho con trai cưới vợ. Chán nản, ông con trai bỏ đi đồn điền cao su, để lại người cha già sống một mình. Sau trận ốm bất đắc kỳ tử, trong nhà lão không còn gì để ăn, lão quyết định đi bán cậu vàng – người bạn đời của lão để không phải dựa dẫm vào con trai.

Tuy cuộc sống đầy sự gian khổ, khó khăn là vậy nhưng lão vẫn luôn giữ được phẩm chất đáng trân trọng của mình, một phẩm chất hiền lành, nhân hậu và đầy ắp những tình yêu thương. Lão vô cùng yêu thương đứa con trai của mình. Khi không còn sức để lo được cho người con trai cuộc sống ấm no, lão đã vô cùng đau khổ. Vì thương con trai, lão đã chấp nhận sống một cảnh nghèo khổ, một mình để cho con được thoải mái. Con đi rồi, lão lại dồn hết những tình cảm của mình cho cậu Vàng – là kỉ vật duy nhất mà đứa con trai để lại. Mỗi lần nhìn thấy con chó, lão lại nhớ đến người con trai nơi phương xa của mình. Không chỉ vậy, tình yêu thương con của lão còn đến nỗi mà dù đói đến đâu lão cũng không chịu bán đi mảnh vườn của mình, để dành của hồi môn cho con. Thậm chí lão còn quyết định lựa chọn đến cái chết để không phải ảnh hưởng đến con lão. Lão bán đi căn nhà, đem hết số tiền của mình có đến gửi cho ông Giáo hàng xóm và nhờ trông coi hộ mảnh vườn, nhỡ may đứa con trai lão có về thì nhờ ông Giáo gửi hộ. Không chỉ có tình yêu đối với con trai, lão còn hết lòng yêu thương cậu Vàng. Lão coi cậu Vàng như con người, cho nó ăn, ăn ngủ cùng nó. Mỗi khi rảnh là lại đem nó ra tắm rửa, bắt rận. Mỗi khi lão có đồ uống rượu ngon là lại cho cậu Vàng thưởng thức cùng như con cháu trong nhà. Cậu Vàng đối với lão như là một người bạn hơn là con chó. Để rồi đến khi bất đắc dĩ phải bán nó, lão đã vô cùng đau đớn và day dứt. Cái quyết định bán đi người bạn thân yêu nhất của mình thật sự khó khăn, trăn trở giống như phải quyết định một việc trọng đại trong cuộc đời. Khi kể lại sự việc bán cậu Vàng cho người hàng xóm nghe, ông đã đau đớn và dằn vặt mình vô cùng, tự trách bản thân mình phải lừa đến cả con chó.

Nên Xem:  Vấn đề dân số đã được thể hiện như thế nào trong văn bản Bài toán dân số của Thái An

Lão Hạc là một người sống trong sạch, giàu lòng thương yêu và tự trọng. Dù sống trong cảnh nghèo đói, túng quẫn như thế nào đi chăng nữa, lão cũng chấp nhận chỉ ăn củ chuối, sung luộc…sống qua ngày. Lão chỉ thật sự cần giúp đỡ ở 2 việc. Một là, nhờ ông giáo trông nom hộ mảnh vườn để khi con trai lão trở về sẽ giao lại cho nó. Hai là nhờ ông giáo giữ hộ một ít tiền để sau này khi lão chết lấy số tiền đó mà làm đám tang cho lão, không phải ảnh hưởng đến con trai. Sau đó, lão đi xin một ít bả chó và nói dối rằng cho con chó hay đến vườn nhà lão nên muốn cho nó chết, nếu được lão sẽ mời người đó nhậu một bữa. Nhưng thực ra, chỗ bả chó đó là để lão tự tử. Nhà văn đã khắc họa lại hình ảnh vô cùng ám ảnh trong cuộc đời của lão, vật vã trên giường, đầu rõ rũ rượi, hai mắt long sòng sọc,… Lão tru tréo lên, sùi bọt mép ra, khắp người lão bỗng chốc lại giật lên thật mạnh một cái. Lão vật vã đến một, hai giờ đồng hồ mới chết hẳn. Cái chết dữ dội, thê thảm của một con người sống lương thiện đầy thanh cao.

Nhà văn Nam Cao đã sử dụng những từ ngữ để miêu tả nhân vật trong câu chuyện vô cùng thành công. Cùng với đó là những ngôn ngữ giàu trí tưởng tượng, đầy tính tạo hình và sức gợi cảm kết hợp với ngòi bút tài hoa miêu tả nội tâm nhân vật để xây dựng thành công nhân vật lão Hạc để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Như vậy, chỉ qua nhân vật lão Hạc mà Nam Cao đã gửi gắm thành công cuộc đời khốn khổ của người nông dân Việt Nam trước cách mạng và đó là những phẩm chất vô cùng đáng quý, trân trọng của họ.

Bài làm 3

“Lão Hạc” là một trong những câu truyện ngắn tiêu biểu tượng trưng cho sự tài hoa của nhà văn Nam Cao viết về số phận hẩm hiu của những người nông dân trước cách mạng. Nổi bật ở trong câu chuyện là hình ảnh lão Hạc với cuộc đời đầy khốn khổ, cơ cực, tuy có lương tâm trong sáng, thanh cao nhưng lại phải chịu một cái chết thê thảm.

Đầu tiên, lão Hạc cũng có một cuộc sống giống như biết bao người nông dân trước cách mạng – phải đối mặt với cảnh cơ cực, nghèo khổ. Nhưng lão còn phải chịu cảnh đớn đau riêng. Vợ lão mất từ rất sớm, con trai lão chán nản nên bỏ đi đồn điền cao su vì cha không có đủ tiền cưới vợ. Lão chỉ có cậu Vàng làm bầu bạn. Không chỉ vậy, số phận còn đẩy lão rơi vào hoàn cảnh đói nghèo. Lão phải đối mặt với cái đói, cái nghèo, cái yếu và sự cô đơn. Để rồi cuối cùng lão phải bất đắc dĩ bán đi người bạn thân thiết của mình, lão đã dằn vặt bản thân vô cùng khi đi lừa một con chó.

Sống trong hoàn cảnh nghèo đói đó, nhưng lão vẫn luôn giữ được bản chất tốt đẹp của mình. Lão là một người cha hết lòng yêu thương con, lão chấp nhận đối mặt với tuổi già, sự cô đơn để con ra đi cho thỏa mãn. Con đi rồi, lão dành hết tất cả tình thương vào người bạn đời – cậu Vàng của mình. Bởi đó là kỷ vật duy nhất mà đứa con trai để lại cho mình. Nhìn con chó mà lão lại nghĩ đến đứa con trai nơi phương xa của mình. Lão thương con trai mình đến mức chấp nhận cái đói, rồi cả cái chết chứ nhất quyết không chịu bán đi mảnh vườn của mình để làm của hồi môn cho con. Nếu lão bán đi mảnh vườn thì số tiền đó sẽ đủ để cho lão ăn tiêu vượt qua khổ cực. Nhưng lão không màng đến bản thân mình mà chỉ lo cho con trai trở về sẽ không có đất làm ăn.

Nên Xem:  Thuyết minh về loài hoa em yêu thích

Đói nghèo, khổ cực đến tột độ như thế mà lão không bị tha hóa về nhân cách của mình. Lão quyết không nhận sự giúp đỡ của người hàng xóm ông giáo, bởi lão nghĩ rằng hoàn cảnh ông ta cũng có hơn gì mình đâu. Ban đầu là mấy hôm lão chỉ có thức ăn là mấy củ khoai, sau đó khoai cũng hết, lão chế tạo được món gì thì ăn món đó qua ngày.  Hôm thì lão chỉ có củ chuối, hôm thì sung luộc, thỉnh thoảng thịnh soạn hơn thì có bữa trai, bữa ốc. Trong hoàn cảnh nghèo khó này, con người rất dễ mất đi sự trong trắng của mình nhưng lão lại không như vậy. Lão quyết định đi tìm cái chết chứ không để ảnh hưởng đến người khác. Lão đi xin Binh Tư một ít bả chó và nói dối là đánh bả con chó hay đi vào vườn của mình. Nhưng không, lão đã tự tử để giữ nguyên được tâm hồn thanh cao, đáng quý, đáng trân trọng và cả sự tự trọng cao đẹp của mình.

Lòng tự trọng của lão Hạc được thể hiện qua hình ảnh lão chọn cái chết, một cái chết thê thảm để tâm hồn mình luôn giữ được vẻ trong sạch, được trọn vẹn tình nghĩa với mọi người kể cả với con chó Vàng.

Dưới ngòi bút tài hoa và cách xây dựng nhân vật độc đáo lão Hạc, người đọc mới thấm thía được số phận khổ cực, bất hạnh của những người nông dân Việt Nam sống trong xã hội phong kiến thối nát lúc bấy giờ.

Bài làm 4

“Lão Hạc” là một truyện ngắn để đời và làm nên tên tuổi của nhà văn Nam Cao. Lão Hạc là một người nông dân có mảnh đời vô cùng nghèo khổ, bất hạnh nhưng lại luôn giữ được nhân cách trong sạch, tâm hồn thanh cao. Lão sống một thân nghèo khổ, cô đơn. Lão chỉ có đứa con trai duy nhất để làm chỗ dựa tuổi già nhưng rồi con trai cũng bỏ lão mà đi đồn điền cao su. Lão chỉ đành lủi thủi làm thuê, làm mướn để tiết kiệm tiền cho con cưới vợ. Nhưng chỉ sau một trận ốm đã làm cho lão trở nên mất đi tất cả, trắng tay, tuổi già tăng cao và sức khỏe yếu đi khiến cho lão không còn làm việc được nữa, việc nhẹ thì đàn bà đã tranh hết. Lão sống trong cảnh nghèo khó nhưng không có việc, rồi lại bão, hoa màu trên mảnh vườn bị phá sạch, mọi thứ tồi tệ nhất cứ tìm đến lão. Lão nghèo đói như vậy nhưng có cái gì ăn là vẫn luôn để dành cho con chó Vàng, lão chế tạo được món gì thì ăn đó, hôm thì rau má, hôm thì sắn, hôm thì ăn khoai thỉnh thoảng sang trọng hơn thì có bữa trai, bữa ốc. Cuộc sống cứ như vậy qua ngày.

Thực ra tình cảnh của lão không đến mức bi thương như vậy, lão còn mảnh vườn và con chó vàng, có thể bán đi để trang trải cuộc sống. Nhưng lão đã không làm thế, lão nghĩ đến đứa con trai, nếu bán đi thì con trai trở về sẽ không có chỗ để làm ăn và cũng không có của hồi môn. Người ta chỉ thấy lão già lẩm cẩm, có ông hàng xóm tốt bụng muốn giúp đỡ nhưng chính trong hoàn cảnh ông ta cũng không khá hơn là bao nhiêu, vừa bày tỏ ý muốn giúp đỡ thì đã bị lão gạt phắt đi. Lão đã đến Binh Tư để xin ít bả chó, nói dối là cho con chó hay đến vườn của mình, nhưng lão đã không làm thế, lão ăn chả chó để kết liễu đi cuộc đời sống không bằng chết của mình. Lão chết đi nhưng những phẩm chất đáng quý, tính cách thanh cao sẽ luôn trường tồn mãi mãi với thời gian.

Hiếm có ai mà thương yêu con như lão Hạc. Tuy nghèo khó đến đâu nhưng vẫn luôn nghĩ đến thân phận làm cha, làm tròn bổn phận ấy, dẫu có nghèo đói, khổ cực đến đâu thậm chí cả cái chết cũng chấp nhận. Hình ảnh đứa con trai, nỗi lo phải hoàn thành sứ mệnh người cha luôn ám ảnh trong tâm trí lão. Hồi anh ta còn ở nhà, lão đã không cho phép anh ta bán vườn để cưới vợ cũng chính là xuất phát từ sự toan tính của tâm người cha. Thực ra lão dằn vặt bản thân lắm. Anh con trai ra đi đồn điền cao su không thấy ngày trở về, lão bày tỏ tâm sự với ông giáo: tiền hoa lợi trong vườn, tiền bán chó, lão đều không dám đụng đến vì đây là số tiền dành dụm cho con.

Chân thật, chất phác, đôn hậu là những gì thể hiện trong tính cách và tinh thần trách nhiệm cao cả của lão. Đối với ông giáo, người lão tin tưởng nhất nhưng vẫn luôn một mực giữ ý tránh để bị coi thường. Lão đói đấy, khổ đấy, vất vả đấy nhưng chưa bao giờ nhờ đến một sự giúp đỡ dù chỉ nhỏ nhoi nhất ở ông giáo, khi ông giáo mời lão ăn khoai, uống nước chè tươi là lão vội liền từ chối liền. Khi ông giáo giấu vợ, muốn giúp đỡ lão một chút nhưng lão từ chối thẳng thừng. Chính bản thân lão đang cố ý tránh xa ông giáo dần dần.

Cuối cùng lão chết, chết một cách đau thương, thê thảm, không xứng đáng với một người có tâm hồn thanh cao. Qua cái chết này, người đọc mới cảm thấy được nhân cách đáng trân trọng ở lão.

Vợ ông giáo từng nói những điều không hay về lão, nguyền rủa lão. Nhưng thật ra sống trên đời có ai là muốn bản thân mình phải khổ cực, vất vả không? Tất cả những gì mà con người chấp nhận khổ cực trên cuộc đời này đều là vì một mục đích cao cả hơn, người ngoài nhìn vào sẽ không thể nhận ra được. Đã hơn 60 năm, lão Hạc vẫn luôn sống mãi trong tâm hồn quý bạn đọc. Và dẫu cho cuộc đời chúng ta có vất vả, cơ cực ra sao thì hãy vẫn suy nghĩ tích cực lên, bởi có một lão Hạc đã chịu tất cả những gì là bi thương nhất trên cuộc đời này rồi.

Nên Xem:  Thuyết minh về một dụng cụ học tập (cây thước kẻ, chiếc cặp, sách vỡ, bút bi)

Bài làm 5

Nam Cao là một nhà văn lớn đại diện cho những người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Ông đã phác họa lại được những gì là cơ cực, khó khăn nhất của người nông dân nhưng vẫn giữ được phẩm chất vô cùng cao quý, tốt đẹp. Truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao là một biểu tượng làm nên tên tuổi của ông, nhân vật lão Hạc chính của tác phẩm có một hoàn cảnh vô cùng bất hạnh, đớn đau nhưng lão vẫn giữ được những phẩm chất thanh cao, tình yêu thương vô bờ bến đối với con cái và đặc biệt là một lòng tự trọng cao cả. Qua nhân vật này, tác giả đã gửi gắm được đến quý bạn đọc tư tưởng nhân đạo tiến bộ và sâu sắc.

Nam Cao luôn trăn trở về những số phận nghèo khổ nhưng lương thiện trong xã hội phong kiến thối nát. Lão hạc cũng như rất nhiều người nông dân Việt Nam khác phải sống trong cảnh vô cùng nghèo khổ, cái đói, cái cơ cực tối tăm trước khi cách mạng tháng Tám thành công. Nhưng lão còn phải chịu một sự bi đát hơn thế. Vợ lão chết sớm, một mình lão dồn tình thương nuôi lớn đứa con trai. Khi con trai đến tuổi trưởng thành, lấy vợ nhưng vì nghèo khó mà người ta lại thách cưới quá cao nên việc cưới vợ cho con trai không thành. Chán nản, con trai lão bỏ đi đồn điền cao su ở Nam Kỳ. Khi con đi rồi, lão một mình sống trong cảnh cô đơn, nghèo đói, hiu quạnh. Lão nhân hậu ngay cả với con chó, coi nó như một người bạn, có thứ gì ngon cũng cho ăn cùng. Lão xem cậu Vàng như một đứa trẻ cần được yêu thương, chăm sóc. Tội nghiệp thay cho số phận của lão, sự nghèo khổ cứ dai dẳng bám theo cuộc đời lão. Vợ chết để lại cho ông mảnh vườn ba sào, nhưng lão nhất quyết không bán đi để trang trải cuộc sống dù cho có ra sao đi nữa, để làm của hồi môn cho con trai. Tất cả hoa lợi thu được lão đều cất đi đợi ngày con trai về cưới vợ. Sau trận ốm, sức khỏe của lão đã tiều tụy đi vô cùng, người lão quá yếu, không còn làm được việc nặng, việc nhẹ thì đàn bà tranh hết, lão phải cầm hơi qua ngày bằng cách ăn rau má, củ sắn, củ chuối, bữa nào sang trọng hơn thì có con trai, con ốc.

Vì không kiếm được tiền để trang trải cuộc sống, lại sợ tiêu hết tiền để dành cho con trai cưới vợ nên lão đành tìm đến cái chết. Lão tìm đến Binh Tư để xin ít bả chó, nói dối là dành cho con chó hay sang vườn nhà mình nhưng thực ra là lão tự tử. Lão chết để con lão không trắng tay, vẫn còn vốn để lập nghiệp. Thật cảm động biết bao về sự hy sinh và trách nhiệm cao cả của bổn phận người cha. Số phận của lão thật bi đát! Lão phải bán đi cả chính con chó – người bạn thân thương nhất của lão, rồi lão dằn vặt bản thân mình khi lừa đi cả con chó. Kể lại việc bán chó với ông giáo, lão thể hiện sự đau đớn, xót xa: mặt lão co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu của lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm của lão mếu máo khóc như con nít mới lớn. Lão khóc vì thương con chó nhưng cũng chính là thương cho số phận bần cùng của mình. Đến bước đường cùng, lão luôn nghĩ đến đứa con trai yêu dấu mà quên đi bản thân mình. Lão đủ can đảm để kết thúc đi cuộc đời sống không bằng chết của mình để không ảnh hưởng đến con trai. Ngay cả ông giáo, người hàng xóm thân thiết, gần gũi nhất lão cũng không nhận lấy một sự trợ giúp dù chỉ là nhỏ nhất. Tuy lão nghèo khổ lại bị bỏ rơi, nhưng lão vẫn luôn giàu đức tính hy sinh, tình yêu thương và những phẩm chất cao đẹp khác của mình.

Hình ảnh Lão hạc chết thật bi đát, thê thảm. Lão xin miếng bả chó rồi chính tay kết liễu cuộc đời của mình. Lão vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượu, sùi cả bọt mép, hai mắt long sòng sọc trông thật đáng thương!. Cái chết đau đớn, thê thảm của lão càng làm sáng lên những phẩm chất cao đẹp của người nông dân trong sáng, thanh cao. Tuy phải sống trong xã hội đầy tối tăm, độc ác, nhưng lão vẫn luôn giữ được phẩm chất đáng quý, nhân cách cao thượng. Cả đời lão thà sống trong cảnh nghèo khó chứ không thể nào mất đi sự nhân hậu, trong sáng của mình.

Với ngòi bút tài hoa và cách sử dụng từ ngữ đặc sắc, Nam Cao đã xây dựng thành công nhân vật lão hạc gợi cho ta niềm cảm thương sâu sắc, vô hạn đối với những người nông dân nghèo khổ lúc bấy giờ. Tác giả thông qua hình ảnh lão Hạc muốn phê phán một xã hội thiếu công bằng, tình người, không quan tâm đến những mảnh đời nghèo khó, chà đạp, vùi dập lên số phận người lương thiện.

hochoi.net - Học Hỏi

Có thể sử dụng ctrl + F để copy code nhanh hơn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *