Trang chủ / Văn Mẫu Tiểu Học / Văn lớp 3 / Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Ông ngoại – Tiếng việt 3

Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Ông ngoại – Tiếng việt 3

Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Ông ngoại – Tiếng việt 3.

Hướng dẫn

ÔNG NGOẠI

Thành phố sắp vào thu. Những cơn gió nóng mùa hè đã nhường chỗ cho luồng khí mát dịu mỗi sáng. Trời xanh ngắt trên cao, xanh như dòng sông trong, trôi lặng lẽ giữa những ngọn cây hè phố.

Năm nay, tôi sẽ đi học. Ông ngoại dẫn tôi đi mua vở, chọn bút, hướng dẫn tôi cách bọc vở, dán nhãn, pha mực và dạy tôi những chữ cái đầu tiên.

Một sáng, ông bảo:

– Ông cháu mình đến xem trường thế nào.

Ông chậm rãi nhấn từng nhịp chân trên chiếc xe đạp cũ, đèo tôi tới trường. Trong cái vắng lặng của ngôi trường cuối hè, ông dẫn tôi lang thang khắp các căn lớp trống. Ông còn nhấc bổng tôi trên tay, cho gõ thử vào mặt da loang lổ của chiếc trống trường. Tiếng trống buổi sáng trong trẻo ấy là tiếng trống trường đầu tiên, âm vang mãi trong đời đi học của tôi sau này.

Trước ngưỡng cửa của trường tiểu học, tôi đã may mắn có ông ngoại – thầy giáo đầu tiên của tôi.

Theo Nguyễn Việt Bắc

Cách đọc

Đọc đúng các kiểu câu, chú ý phân biệt được lời dẫn truyện và lời nhân vật. Đọc bài với giọng đọc hồi hộp, xao xuyến, bâng khuâng, dịu dàng, xúc động ; nhịp đọc chậm rãi. Biết ngắt nghỉ đúng chỗ, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả: cơn nóng, luồng khí, mát dịu, lặng lẽ, chậm rãi, vắng lặng, xanh ngắt, trong trẻo.

Gợi ý cảm thụ

Người thầy đầu tiên của bạn nhỏ không ai khác chính là ông ngoại của cậu. Bài văn viết về tình cảm ông cháu sâu nặng, ông hết lòng chăm lo cho cháu, cháu mãi mãi biết ơn ông – người thầy đầu tiên của cháu trước ngưỡng cửa trường tiểu học.

Câu văn mở đầu đưa người đọc vào không khí truyện: “Thành phố sắp vào thu”… Cả ba câu trong đoạn văn mở đầu tác giả dành để miêu tả tiết trời sắp vào thu. Qua cách diễn đạt rất trau chuốt của tác giả, cảnh vật lúc giao mùa thật trong sáng, đẹp đẽ và gợi nhiều cảm xúc: luồng khí mát dịu mỗi sáng. Trời xanh ngắt trên cao, xanh như dòng sông trong, trôi lặng lẽ giữa những ngọn cây hè phố. Cảnh thu được cảm nhận bằng hai ấn tượng: xúc giác (không khí mát dịu) và thị giác (trời xanh ngắt). Màu xanh trải rộng, mênh mang của bầu trời vào thu được đặc tả qua tính từ “xanh ngắt”.

Cách đọc

Đọc đúng các kiểu câu, chú ý phân biệt được lời dẫn truyện và lời nhân vật. Đọc bài với giọng đọc hồi hộp, xao xuyến, bâng khuâng, dịu dàng, xúc động ; nhịp đọc chậm rãi. Biết ngắt nghỉ đúng chỗ, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả: cơn nóng, luồng khí, mát dịu, lặng lẽ, chậm rãi, vắng lặng, xanh ngắt, trong trẻo.

Trời vào thu, các em nhỏ cũng sắp cất bước đến trường. Các từ ngữ mở đầu đoạn văn đều cho thấy dấu hiệu của một tương lai gần sẽ đến, đang đến “sắp”, “năm nay… sẽ”, “một sáng”… Có gì đó đang thay đổi, em bé sắp đi học, sắp trở thành học sinh lớp một, sắp bước chân vào ngưỡng cửa trường tiểu học. Ông ngoại giúp em chuẩn bị tất cả những đồ dùng học tập cần thiết. Chỉ bằng một câu văn, tác giả đã liệt kê tất cả sự chuẩn bị chu đáo cho việc đi học: “Ông ngoại dẫn tôi đi mua vở, chọn bút, hướng dẫn tôi cách bọc vở, dán nhãn, pha mực và dạy tôi những chữ cái đầu tiên”.

Buổi đầu tiên đến lớp của em bé sao mà đáng yêu, đáng nhớ, chỉ với một mục đích đơn giản là: “Ông cháu mình đến xem trường thế nào”. Đoạn văn tiếp theo như một hồi ức, một kỉ niệm, một đoạn phim quay chậm, cảnh quay nào cũng đều có cả ông và cháu sóng đôi:

– Ông chậm rãi nhấn từng nhịp chân trên chiếc xe đạp cũ, đèo tôi tới trường.

– Ông dẫn tôi lang thang khắp các căn lớp trống.

– Ông còn nhấc bổng tôi trên tay, cho gõ thử vào mặt da loang lổ của chiếc trống trường.

Biện pháp lặp từ ngữ đã góp phần làm nổi bật chủ đề của câu chuyện về ông ngoại, về tình yêu thương, sự chăm sóc, dạy dỗ, những mong mỏi trọn vẹn của ông dường như đều dành cho đứa cháu bé bỏng. Từng câu, từng chữ trong bài đều thể hiện lòng biết ơn vô hạn của người cháu đối với ông, hình ảnh nào cũng giản dị mà xúc động lòng người. Đó là những hồi ức trong sáng, đẹp đẽ của những ngày thơ ấu.

Và trong buổi đầu tiên đến lớp ấy, em bé đã được tận tay đánh trống trường. Trong tiết trời mát dịu, bầu trời xanh ngắt, trong cái vắng lặng của lớp học cuối hè, trong buổi sáng trong trẻo tuyệt vời ấy, tiếng trống vang lên, âm vang trong không gian, vọng mãi trong tâm hồn trẻ thơ và trở thành kí ức đẹp đẽ đi theo suốt cuộc đời.

Điều may mắn trong cuộc đời của nhân vật “tôi” là đã có ông ngoại, người thầy giáo đầu tiên nâng bước chân “tôi” đến trường, bước vào ngưỡng cửa của trường tiểu học.

Bài văn ngắn nhưng thật giản dị, xúc động, chan chứa lòng yêu thương, sự kính trọng, biết ơn của bạn nhỏ dành cho người ông của cháu với tình yêu thương vô bờ bến. Cháu quấn quýt bên ông như cây non tựa vào cây cao bóng cả…

Nên Xem:  Em hãy kể về việc học tập của em trong học kì I

hochoi.net - Học Hỏi

Có thể sử dụng ctrl + F để copy code nhanh hơn nhé!