Trang chủ / Văn Mẫu THCS / Văn lớp 9 / Nghị luận về mục đích học tập của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình

Nghị luận về mục đích học tập của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình

Giáo dục luôn là một vấn đề được quan tâm hàng đầu. Để làm được bài này, trước hết các em cần xác định được mục đích học tập của UNESCO là gì? Đó là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Có nhiều cách triển khai đề xướng của UNESCO: có thể tách phần giải thích và bàn luận làm hai, hoặc lần lượt giải thích và bàn luận từng nội dung của ý kiến, cần nhấn mạnh rằng mục đích được sắp xếp theo thứ tự tăng tiến. Nội dung đề xướng của UNESCO đúng đắn, đầy đủ và toàn diện, có ý nghĩa thời đại. Trong phần lật ngược vấn đề, các em phê phán thái độ học tập chưa đúng đắn của một bộ phận hiện nay: học tập không có mục đích, hay học vì thành tích, vì những mục tiêu tầm thường,… Cuối cùng, các em khẳng định lại vấn đề và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình học tập và lao động. Dưới đây là một số bài văn mẫu nghị luận về mục đích học tập của UNESCO các em có thể tham khảo:

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 NGHỊ LUẬN VỀ MỤC ĐÍCH HỌC TẬP CỦA UNESCO HỌC ĐỂ BIẾT, HỌC ĐỂ LÀM, HỌC ĐỂ CHUNG SỐNG, HỌC ĐỂ TỰ KHẲNG ĐỊNH MÌNH

Từ lâu, giáo dục đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng được quan tâm nhất của xã hội: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Việc học tập trở thành nhiệm vụ suốt đời của con người, bởi “người không học như ngọc không mài”. Tuy nhiên, không phải ai cũng xác định được cho mình mục đích học tập đúng đắn. Về vấn đề này, UNESCO đã đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Ý kiến của UNESCO đã đem đến cho chúng ta một bài học quý báu về mục đích học tập.

Học là quá trình tiếp thu kiến thức từ thầy cô, sách vở, từ xã hội và cuộc sống,… Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Ngủ dậy muộn thì phí mất cả ngày, ở tuổi thanh niên mà không học tập thì phí mất cả cuộc đời”. Quả đúng như vậy, bất kì ai cũng có thể hiểu rằng học tập là một công việc quan trọng bậc nhất trong cuộc đời mỗi con người. Con người học phải có mục đích mới có động lực thúc đẩy quá trình học tập diễn ra hiệu quả. Vậy rốt cuộc học để làm gì?

Trước hết, “học để biết”. Đây là cấp độ đầu tiên của việc học, học để mở mang kiến thức, tăng cường vốn sống, vốn hiểu biết, từ những điều cơ bản nhất như chữ cái, con số cho đến những thứ lớn lao hơn như những học thuyết của các nhà khoa học, những quy luật của vũ trụ. Nhu cầu hiểu biết là nhu cầu cơ bản của con người. Nhờ quá trình học tập, con người tự làm phong phú thêm cho kiến thức của mình, được trang bị hành trang bước vào thế giới, được hiểu hơn về con người, về cuộc sống, về thế giới, và về chính bản thân mình. Học để biết, con người mới thoát ra khỏi thời kì mông muội, làm chủ cuộc sống của chính mình.

Nên Xem:  Soạn bài Ôn tập phần Tập làm văn (tiếp theo) đầy đủ hay nhất lớp 9

Tuy nhiên, người xưa vẫn thường quan niệm: “Trăm hay không bằng tay quen”. Bởi thế, học không chỉ để biết, mà còn “Học để làm”. Chủ tich Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Học vẫn luôn đi đôi với hành, nếu chỉ biết mà không biết áp dụng kiến thức mình có vào đời sống để làm thì việc học cũng không con ý nghĩa gì cả. Để hoàn thành bất cứ việc gì, bên cạnh lí thuyết, kinh nghiệm thì luôn cần có sự thực hành.

Ở cấp độ tiếp theo, sau khi đã có kiên thức và vận dụng kiến thực, con người lại “Học để chung sống”, có nghĩa là học để hòa nhập, thích nghi, cùng phát triển với cộng đồng, xã hội. Đó là một mục đích đầy tính nhân văn. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Giá trị của con người chỉ thực sự được khẳng định khi đặt trong mối quan hệ với cộng đồng. Nhờ quá trình học tập, con người được nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử, kĩ năng làm việc nhóm để cùng hợp tác phát triển xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Cuối cùng là “Học để tự khẳng định mình”. Đó là học để khẳng định được giá trị và ý nghĩa tồn tại của một cá nhân đối với cuộc đời, từ đó tạo dựng được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Từ những kiến thức tiếp thu từ quá trình học tập, con người lao động, cống hiến, tạo ra thành quả cho cuộc đời, từ đó con người được xá hội công nhận. Đó chính là cách mà ta tự khẳng định giá trị bản thân.

Có thể nói, đề xướng của UNESCO về mục đích học tập đầy đủ, toàn diện, đúng đắn và có ý nghĩa với mọi thời đại, đặc biệt là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay. Khi xác định được mục đích học tập đúng đắn, con người sẽ có động lực phấn đấu, học tập. Trong thực tế, có không ít học sinh vẫn chưa tìm được ý nghĩa của việc học tập, coi học hành là gánh nặng, là nghĩa vụ, hoặc xác định sai lệch: học để lấy thành tích, học chỉ để kiếm tiền,… dẫn đến những hệ lụy như bệnh thành tích, hiện tượng quay cóp, thái độ sai trong thi cử kiểm tra. Chính những điều đó đang kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Nelson Mandela cho rằng: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Việc học tập vẫn luôn là công việc quan trọng, gian khổ nhưng đầy ý nghĩa. Chúng ta, đặc biệt là người trẻ, cần có thái độ học tập tích cực với một mục đích học tập đúng đắn: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ MỤC ĐÍCH HỌC TẬP CỦA UNESCO

Darwin đã từng khẳng định: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Học tập chưa và không bao giờ là đủ hay thừa. Bởi “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Đó chính là mục đích của học tập được UNESCO đề xướng.

Nên Xem:  Thuyết minh về cây bút bi lớp 9

Học là quá trình tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm từ người khác, cuộc sống để làm đầy lên vốn hiểu biết của mình.

Học trước hết là để “biết”. Biết là có những kiến thức, hiểu biết về đời sống, con người xung quanh và có thể lí giải cho những hiện tượng trong cuộc sống. Đúng vậy, bản chất con người chúng ta luôn tò mò và hiếu kì, muốn tìm hiểu về cuộc sống xung quanh. Cuộc sống ngày càng phong phú và mở ra với bao điều diệu kì thì mong muốn tìm hiểu, làm chủ kiến thức và cuộc sống. Vậy những hiểu biết ấy đâu, làm sao mà có? Trên những trang sách, ở mỗi con người và qua từng mảnh đất ta đã từng đi qua, tất cả đều là những bài học của chúng ta. Việc của chúng ta chính là học. Học để mở mang kiến thức, để biết rằng cuộc sống không hề tẻ nhạt mà nó ẩn chứa những triết lí trong những trang sách, và cả tình người qua mỗi mảnh đời. Học từ những cuốn sách lịch sử để biết nguồn gốc và giá trị của cuộc sống hôm nay. Học từ những cuốn sách chuyên môn để trau dồi thêm kĩ năng và trình độ. Học từ những con người khuyết tật nhưng vẫn vươn lên làm người có ích để biết cuộc sống này còn nhiều bất hạnh và cũng nhiều đóa hoa vươn lên giữa vùng sỏi đá khô cằn để nở những bông hoa thật đẹp.

Học còn để làm. Làm là thực hành, ứng dụng những kiến thức đã được học vào trong đời sống, ứng xử hằng ngày. Người ta thường nói: học phải đi đôi với hành. Kiến thức học được trong sách vở, tiếp thu được mà không sử dụng trong thực tiễn thì cũng chỉ là kiến thức chết. Con tàu dẫu có đẹp và vĩ đại đến đâu cũng chỉ vô ích nếu không được vẫy vùng giữa đại dương rộng lớn. Bông hoa có đẹp đến mấy cũng ích gì khi chẳng có ai thưởng thức và chẳng thể làm đẹp cho đời. Kiến thức tiếp thu được chỉ là lí thuyết, căn bản. Làm chính là biến những kiến thức trừu tượng, khô cứng thành sản phẩm, là để chứng thực tính đúng đắn và chân xác của những điều mình học được. Làm để biến những điều mình nhận được thành những thứ có ích cống hiến cho cuộc sống, cho con người và cả chính mình. Học mười mấy năm trong ghế nhà trường để sau này, những sinh viên kia sẽ trở thành những kiến trúc sư kiến tạo, những bác sĩ tận tâm, những cô giáo mang tri thức lại cho thế hệ sau, … Học để làm, và làm cũng để chứng minh ta đã học và tiếp thu như thế nào.

Học còn để chung sống. Chung sống chính là khả năng hòa nhập, thích nghi với môi trường sống, con người xung quanh. Chung sống là trình độ cao hơn khi ta đã “biết”, đã “làm” thuần thục. Cuộc sống của con người là tổng hòa của những mối quan hệ. Chúng ta không thể sống riêng rẽ mà tách khỏi cộng đồng. Vì thế, học để chung sống cũng là điều tất yếu. Học từ cuộc sống để biết những quy luật của nhân tình thế thái, rằng: cuộc sống này không hề dễ dàng, muốn thành công, muốn hạnh phúc, đều phải trải qua những thử thách, gian nan. Học để biết cách đứng lên khi vấp ngã, không nản lòng với khó khăn, để quyết tâm giành lấy hạnh phúc về chính mình. Biết cuộc sống này còn nhiều những số phận khó khăn, học để biết yêu thương, “lá lành đùm lá rách”, để cùng là con người, có thể sống không vội vã, không ganh đua, hòa thuận. Học từ những người xung quanh để biết cách cho đi không cần nhận lại, để những trái tim có thể hòa làm một trong những quỹ từ thiện giúp trẻ em nghèo, trong hành trình đỏ hiến máu cứu người, trong ngay những nụ cười hằng ngày. Học để có thể sống trong cộng đồng, chung sống với khó khăn, gian khổ và chung sống với nhau hòa bình.

Nên Xem:  Văn miêu tả lớp 3 – Tả một số đồ đạc trên bàn học, nơi góc học tập

Và cuối cùng, học là để khẳng định mình, là để thể hiện và bộc lộ con người mình trong sự ghi nhận của người khác, của cuộc sống. Chúng ta sinh đời để làm gì? Không phải để như giọt nước hòa vào đại dương mênh mông. Không cần như một hạt cát vô danh trong biển người vô tận. Không để chết đi mà không một dấu ấn trong lòng người. Hành trình sống của con người, biết, làm và chung sống, rốt cục cũng để là khẳng định mình với cuộc đời, với chính mình nữa. Học để khẳng định mình là người có kiến thức và suy luận, mình là người có những cống hiến, có thể yêu thương và sống tốt trong mối quan hệ cộng đồng. Và để khẳng định: tôi là chính tôi, không phải một ai khác, không thể quên lãng, dẫu có bình thường nhưng không bao giờ tầm thường. Học tập để có khẳng định tài năng của mình cho khoa học, đem lại tiếng cười cho cuộc sống như Lê Bá Khánh Trình đã in dấu chân của mình trong trái tim mọi người. Học tập, cố gắng và cống hiến để khẳng định: “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của Adam Khoo, và “tôi là một điều kì diệu, bạn cũng là một điều kì diệu”- Nick Vujjic.

Cuộc sống, con người xung quanh, mọi thứ đều mang một tấm gương, dù tốt hay xấu, chúng ta đều cần phải học. Quá trình học không bao giờ là đủ và không cần thiết, học đê biết, để làm, để chung sống và để khẳng định mình. Mục đích học của UNESCO đề xuất vẫn luôn là bài học với mọi người, mọi thời. Vì vậy, nếu không học, đi cả cuộc đời bạn chỉ là người đưa thư thôi. Có những người học nhưng vẫn không thành công. Bởi họ chưa xác định được mục tiêu và phương hướng học tập, không thể tìm ra động lực và cách thức học. Dẫn đến lối mòn: học vẹt, học chống đối. Không có những kiến thức cũng như kĩ năng, hiểu biết sẽ rất khó phát triển trong xã hội đang thay đổi không ngừng này.  Là học sinh, chúng ta hãy biết tích lũy, học ngay từ khi còn ngồi trên ghế, kết hợp với thực hành, học tập những điều xung quanh cuộc sống để có những hành trang tốt nhất bước vào cuộc sống.

Có người học nhiều, học ít mà thành vĩ nhân nhưng không có người tài nào lại không học. Bạn có thể không trở thành những ngôi sao sáng trong cuộc đời mọi người, nhưng ít nhất hãy tự tỏa sáng trong cuộc đời chính mình. Bằng con đường học.

Nguồn Internet

hochoi.net - Học Hỏi

Có thể sử dụng ctrl + F để copy code nhanh hơn nhé!