Trang chủ / Văn Mẫu THCS / Văn lớp 8 / Thuyết minh về chiếc mũ (nón) bảo hiểm

Thuyết minh về chiếc mũ (nón) bảo hiểm

Thuyết minh về chiếc mũ (nón) bảo hiểm

Bài làm 1

Đi kèm với sự phát triển không ngừng của xã hội là sự xuất hiện của những vấn nạn nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn đến con người. Một trong những vấn nạn đó phải kể đến là vấn nạn giao thông. Vậy, làm sao để bảo vệ bản thân và người khác khỏi những mối đe dọa tốc độ? Đó là phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Luật giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định: “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Vì vậy, nón bảo hiểm nghiễm nhiên trở thành bạn đồng hành không thể thiếu đối với mọi người khi tham gia giao thông.

Nón bảo hiểm có cấu tạo như thế nào? Đó là một loại nón có cấu tạo gồm ba lớp rất chắc chắn. Lớp thứ nhất là lớp chúng ta có thể nhìn thấy ngay bên ngoài – lớp vỏ. Đại đa số lớp vỏ của nón bảo hiểm được làm bằng chất liệu nhựa rất cứng, trên bề mặt của lớp vỏ được phủ sơn với nhiều màu sắc khác nhau và in logo của nhà sản xuất. Một số nón bảo hiểm chuyên dùng cho trẻ em còn in những hình ảnh khá cầu kì, tạo sự thích thú cho những “khách hàng nhí”. Ngoài ra còn có những dòng nón bảo hiểm cao cấp sử dụng hợp kim nhôm hoặc hợp kim cacbon làm lớp vỏ bên ngoài để làm giảm trọng lượng của nón, tạo sự thoải mái mà vẫn đảm bảo chức năng giữ an toàn cho người đội. Lớp thứ hai là lớp quan trọng nhất – lớp mút xốp dày giữ vai trò giảm chấn động cho đầu khi gặp phải những va chạm mạnh bất thình lình. Lớp thứ ba – lớp trong cùng – là lớp tiếp xúc với phần đầu của chúng ta. Vì tiếp xúc với phần đầu con người nên nó phải là một lớp lưới hoặc mút mỏng, thông thoáng, tạo cảm giác êm ái cho người dùng. Bên dưới nón là bộ phận dây gài giúp giữ chặt nón vào đầu. Bộ phận dây gài cũng gồm hai phần, một phần gắn chặt với nón được thiết kế khá chu đáo, có thể điều chỉnh độ dài ngắn của quai nón phù hợp với kích cỡ đầu của từng người, một phần là móc khóa không cố định, có thể dễ dàng gắn vào khi cần và mở ra khi không sử dụng.

Nón bảo hiểm có bao nhiêu loại? Dựa vào hình dáng bên ngoài ta có thể chia nón bảo hiểm thành hai loại: loại bảo hộ toàn bộ phần đầu và loại bảo hộ nửa đầu. Loại bảo hộ nửa đầu ngày nay được người sử dụng ưa chuộng hơn vì độ gọn, nhẹ và tiện ích của chúng. Tuy nhiên, so với loại bảo hộ toàn phần đầu thì nón bảo hiểm nửa đầu có mức độ bảo vệ thấp hơn. Các nhà sản xuất có uy tính cũng tập trung chú ý sản xuất các mặt hàng mũ bảo hiểm toàn phần đầu nhiều hơn. Mũ bảo hiểm toàn phần đầu có thêm tấm kính trong suốt phía trước giúp ngăn chặn bụi bẩn, giảm áp lực của gió tạt vào mặt người dùng khi tham gia giao thông.

Một chiếc nón bảo hiểm đảm bảo chất lượng có giá từ vài trăm trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, một số nhà sản xuất chỉ chú trọng vào mục đích, không quan tâm đến tính mạng con người đã tung ra thị trường những loại mũ bảo hiểm kém chất lượng với giá rất rẻ đánh vào tâm lý người dùng Việt Nam. Đây là một hành động phi nhân đạo, cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm minh, thích đáng. Mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ bản thân, đừng vì giá rẻ, lợi ích trước mắt mà lựa chọn những mặt hàng mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Đúng như tên gọi của nó, nón bảo hiểm có chức năng bảo vệ phần đầu – bộ phận rất quan trọng trên cơ thể người khỏi những tác nhân gây nguy hiểm. Khi tham gia giao thông, đôi khi con người sẽ không thể kiểm soát tay lái hoặc vô tình bị – gây – tai – nạn, vì vậy cần phải đội nón bảo hiểm để hạn chế những va đập mạnh ảnh hưởng đến vùng đầu, vùng cổ.

Chúng ta phải lựa chọn và sử dụng nón bảo hiểm như thế nào để phát huy tối đa tác dụng bảo vệ? Trước hết, trong việc lựa chọn, người dùng cần sáng suốt, xứng đáng là một người tiêu dùng thông minh khi chọn mua những sản phẩm mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Vậy, thế nào là một nón bảo hiểm chất lượng? Nón bảo hiểm chất lượng phải là nón có tem chống giả được dán bởi bộ kiểm định chất lượng, nếu là hàng nhập khẩu phải có tem kiểm tra,…Trên mũ bảo hiểm phải có đầy đủ những thông tin như: kích thước nón, ngày sản xuất, cơ sở sản xuất, địa chỉ cơ sở sản xuất,…Khi mua nón bảo hiểm chất lượng người dùng sẽ được nhận giấy bảo hành của cơ sở sản xuất để được hỗ trợ khi có vấn đề trục trặc trong quá trình sử dụng sản phẩm nón bảo hiểm đó. Thứ hai, người tiêu dùng cần chọn những nón bảo hiểm vừa vặn với kích cỡ phần đầu của mình, không chọn mua những sản phẩm quá rộng hoặc quá chật dù nó có đẹp hơn, bắt mắt hơn. Vậy, thế nào là vừa? Bạn hãy thử đội nón bảo hiểm vào đầu, cài quai vào, lắc đầu sang trái, sang phải xem nón có ôm trọn phần đầu của mình hay không. Nón vừa ôm trọn phần đầu, tạo cảm giác thoải mái khi đội. Nếu nón bị xê dịch nghĩa là nó rộng so với đầu của bạn, nếu đội vào không cảm thấy thoải mái nghĩa là nó hơi hẹp so với đầu của bạn, cả hai trường hợp đó đều không nên chọn mua. Thứ ba, trong quá trình sử dụng, người dùng cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nón để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Nón đã bị va chạm mạnh không nên tiếp tục sử dụng. Những chiếc nón có bộ phận dây gài nón bị hư, lớp mút bên trong đã không còn đàn hồi tốt cũng không nên “tận dụng xài tạm”, đối phó…Hàng ngày, sau khi đội, bạn nên để nón ở những nơi thoáng mát hoặc đem phơi nắng để hong khô, giết chết vi khuẩn gây các bệnh nấm da đầu,…Các nhà sản xuất khuyên rằng: Khi sử dụng được năm năm, dù nón vẫn còn sử dụng được vẫn nên đổi nón mới để đảm bảo tốt nhất sự an toàn của chính bản thân.

Như vậy, sau khi tìm hiểu về nón bảo hiểm, mỗi người trong chúng ta cần chọn cho mình một chiếc nón bảo hiểm phù hợp nhất để sử dụng mỗi ngày. Vì an toàn là trên hết, “hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông!” các bạn nhé!

Khi mà nhu cầu đi lại tham gia giao thông của con người ngày càng tăng lên, phương tiện giao thông ngày càng được cải tiến hiện đại. Nhưng thực trạng tai nạn giao thông vẫn là mối đe dọa lớn đến tính mạng con người. Do đó chiếc mũ bảo hiểm là một đồ dùng rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người.

Một chiếc mũ bảo hiểm bình thường được cấu tạo ba lớp rất chắc chắn. Lớp thứ nhất mà chúng ta có thể quan sát được ngay bên ngoài – lớp vỏ. Phần lớn số lớp vỏ mũ bảo hiểm được làm bằng chất liệu nhựa cứng, được phủ một lớp vỏ sơn với màu sắc sặc sỡ và in logo của nhà sản xuất.

Một số mũ bảo hiểm được thiết kế dành riêng cho trẻ em rất sinh động với nhiều hình thù ngộ nghĩnh, chủ yếu để thu hút sự tò mò của “khách hàng nhí”. Ngoài ra còn có những dòng mũ bảo hiểm cao cấp sử dụng hợp kim nhôm hoặc hợp kim cacbon làm lớp vỏ bên ngoài để làm giảm trọng lượng của mũ, làm cho người đội cực kì thoải mái mà vẫn rất đảm bảo chức năng giữ an toàn cho người đội.

Lớp thứ của mũ mới chính là lớp quan trọng nhất – lớp mút xốp dày giữ vai trò giảm chấn động cho đầu mỗi khi gặp phải sự cố trên đường. Lớp trong cùng cấu tạo từ một lớp lưới hoặc mút mỏng, thông thoáng hoặc có lỗ làm thoáng khí tạo cho người đội cảm giác thoải mái. Bên dưới là dây quai được gắn liền với lớp vỏ cứng, cố định bằng ốc vít để giữ chặt mũ trên đầu khi bị một tác động nào đó thì sẽ không bị văng ra, nằm yên bảo vệ đầu người đội.

Dây mũ được làm bằng dây dù vừa rẻ vừa bền. Để giúp cho việc sử dụng tháo ra, cài lại được dễ dàng, các nhà sản xuất có lắp thêm bộ phận cài. Bộ phận này gồm một phần gắn chặt với mũ được thiết kế khá hợp lý, có thể điều chỉnh độ dài ngắn của quai mũ phù hợp với kích thước đầu của người sử dụng, một phần là móc khóa không cố định, có thể dễ dàng gắn vào khi cần và tháo ra khi không sử dụng nữa.

Trên mỗi sợi dây mũ còn có gắn thêm một miếng cao su hay nhựa dẻo, phù hợp với vị trí cằm vừa để cố định mũ, vừa bảo vệ cằm không bị tổn thương mỗi khi va chạm. Một số loại mũ bảo hiểm đặc biệt có khi còn có từ 2 đến 3 lỗ thông gió để khi di chuyển sẽ tạo ra làn gió thoáng khí trong mũ. Ở những nước mà khí hậu có tính chất nhiệt đới như Việt Nam thì các loại mũ có lỗ thông gió là loại mũ được yêu thích sử dụng nhất vì khí hậu nóng ẩm mà phải đội mũ suốt chặng đường dài.

Dựa vào hình dáng bên ngoài ta có thể chia mũ ra thành hai loại: loại bảo hộ toàn bộ phần đầu và loại bảo hộ nửa đầu. Loại bảo hộ nửa đầu này được người sử dụng lựa chọn hơn cả bởi tính gọn nhẹ, đẹp, hợp thời trang và tiện ích của chúng. Tuy nhiên, so với loại mũ bảo hộ toàn phần đầu thì nón bảo hiểm nửa đầu có độ bảo vệ kém hơn. Các nhà sản xuất có uy tín cũng tập trung sản xuất các mặt hàng mũ bảo hiểm toàn phần đầu nhiều hơn.

Mũ bảo hiểm toàn phần đầu có thêm tấm kính trong suốt phía trước giúp ngăn chặn bụi bẩn, giảm áp lực của gió tạt vào mặt mỗi khi di chuyển với tốc độ nhanh. Một chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng trung bình có giá từ vài trăm trở lên. Tuy nhiên, hiện nay do các nhà sản xuất chỉ chú ý đến lợi nhuận mà quên đi mất việc bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng nên sản xuất những chiếc mũ kém chất lượng với giá rất rẻ mạt đánh vào tâm lý người dùng Việt Nam.

Đây là một hành động không hề có tính chất nhân đạo, cần phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm minh thích đáng. Mỗi người khi tham gia giao thông cần có ý thức tự bảo vệ bản thân là trước tiên, đừng vì giá rẻ, quan tâm đến cái đẹp nhiều quá mà lựa chọn những mặt hàng kém chất lượng.

Chúng ta cần có cách sử dụng và bảo quản mũ cẩn thận. Khi đội mũ cần chỉnh dây cài cho phù hợp với kích thước của đầu để mũ không quá lỏng mà cũng không quá chật. Tránh để mũ va đập nhiều làm giảm đi chất lượng sử dụng của mũ và sử dụng nước khử mùi để giặt miếng lót bên trong.

Không nên đội chung mũ với người khác đặc biệt là người có bệnh về da đầu để đảm bảo an toàn. Những chiếc mũ mà có bộ phận dây cài lỏng, lớp mút bên trong đã không còn đàn hồi tốt thì chúng ta cũng không nên tiếc hay tinh thần xài tạm, đối phó,…Mà thay vào đó hãy đi sắm cho mình một chiếc mũ khác để đảm bảo an toàn cho bản thân. Hàng ngày, sau khi sử dụng, nên để mũ ở những nơi thoáng mát hoặc đem phơi nắng để hong khô, giết chết vi khuẩn gây ra các bệnh về da.

Các nhà sản xuất khuyên rằng, khi dùng được đến 1 năm, dù mũ vẫn còn sử dụng rất tốt thì cũng nên thay đi để đảm bảo tốt nhất sự an toàn của chính bản thân. Đúng như tên gọi của nó, nón bảo hiểm có chức năng bảo vệ đầu – bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể của mỗi con người. Khi tham gia giao thông, đôi khi con người không thể làm chủ được tốc độ hoặc là những tình huống vô tình xảy đến với chúng ta không ai có thể lường trước được, vì vậy mà chiếc mũ bảo hiểm sẽ là vật rất cần thiết để bảo vệ vùng đầu, vùng cổ.

Chiếc mũ bảo hiểm như người bạn tốt của chúng ta vậy, bước ra ngoài tham gia giao thông là không thể nào quên người bạn đó, nó là một thiên thần hộ mệnh an toàn. Vì vậy mọi người nên chọn cho mình một chiếc mũ phù hợp và bảo quản chúng thật tốt để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cho mọi người xung quanh.

Nên Xem:  Câu chuyện về nghị lực và sự vươn lên.

Bài làm 3

“An toàn là bạn, tai nạn là thù”. Đã bảo giờ bạn tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm chưa? Hay đã bao giờ bạn lóe lên suy nghĩ đội mũ bảo hiểm để đối phó với các chú công an? Đã bao giờ bạn thắc mắc về cấu tạo của chiếc mũ bảo hiểm sẽ như nào chưa?

Mũ bảo hiểm là một đồ dùng vô cùng cần thiết đối với con người mỗi khi di chuyển trên đường, nó có vai trò rất quan trọng, cần được tìm hiểu và sử dụng đúng cách để phát huy tối đa chức năng mà nó mang lại.

Mũ bảo hiểm được ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cao cả là bảo vệ đầu – bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể của con người. Người ta thường có một câu vui rằng nó như một nồi cơm điện bởi sự cần thiết của nó. Tại đất nước ta, quy định về đội mũ bảo hiểm với người ngồi trên xe mô tô khi tham gia giao thông từ năm 2007 và cho đến ngày nay nó đã trở thành một đồ vật không thể thiếu mỗi khi ra đường tham gia giao thông. Mũ bảo hiểm có cấu tạo gồm ba bộ phận chính là vỏ nón, đệm bảo vệ và quai đeo.

Vỏ ngoài của nón được sản xuất bằng nhựa nguyên sinh hoặc các sợi cacbon có độ cứng cao, siêu bền với lớp nhựa dày. Khi cầm rất đầm tay, bề mặt mũ mịn. Được sản xuất bằng nhựa nguyên sinh cao cấp nên rất dễ tạo hình nón, vỏ nón cũng được thiết kế với nhiều màu sắc khác nhau để phù hợp với thị hiếu của khách hàng và nhu cầu sử dụng theo từng độ tuổi.

Lớp đệm bảo vệ làm bằng lõi xốp thường là nhựa EPS, bộ phận này rất quan trọng để bảo vệ não mỗi khi xảy ra va chạm, độ dày được thiết kế phù hợp, lõi xốp được lắp cố định vào vỏ nón khó tách rời, ôm sát đầu người đội nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối. Lớp đệm lót làm bằng vải mềm tạo cảm giác êm ái và dễ chịu khi đội mũ.

Quai cài thường được sản xuất từ sợi tổng hợp chất lượng cao, có miếng giữ cằm cố định, quai có thể dài ngắn để phù hợp với kích thước đầu của người sử dụng, phần quai khá chắc chắn, ăn khớp giúp dễ dàng thao tác. Ngoài ra một số loại mũ còn có cả thêm lớp kính trong suốt để tránh bụi bẩn và giảm áp lực của gió mỗi khi di chuyển với tốc độ cao.

Mũ bảo hiểm được phân loại thành 3 loại cơ bản sau: mũ trùm kín đầu, 3/4 đầu và nửa đầu. Mũ bảo hiểm trúm kín đầu là loại có độ an toàn cao nhất, nó ôm trọn phần đầu, phần mặt và hộp sọ của người đội. Loại mũ này có khe hở ở vành đai và lỗ thông khí bên trong. Nó bảo vệ tối đa người đội nhưng nhược điểm của nó là khá cồng kềnh, rất thích hợp cho những chuyến đi đường dài trên quốc lộ đặc biệt là các phượt thủ – người đam mê đi khắp mọi nơi.

Mũ 3/4 đầu dạng to, tròn, phủ kín phần sau sọ não nhưng thiếu thanh chắn cằm và kính che mặt. Nên bụi, gió, mưa, có thể dễ dàng bay vào mắt, loại này rất thích hợp để đi làm hàng ngày hoặc đi chơi gần. Loại mũ nửa đầu không có các bộ phận ốp vào tai, không có kính lá chắn và ngắn ở phần sau đầu. Thích hợp khi di chuyển ở quãng đường ngắn. Khi sử dụng hai loại này cần trang bị thêm kính để bảo vệ mắt, ưu điểm của chúng là khá nhỏ gọn, sử dụng thuận tiện dễ dàng bỏ vừa cốp xe,  hợp thời trang nên thường là sản phẩm mà người tiêu dùng lựa chọn.

Mũ bảo hiểm rất hữu ích với chúng ta, bạn hãy thử tưởng tượng ra rằng nếu một ngày bạn bị va chạm rất mạnh trên đường, đầu bạn va trực tiếp vào nền bê tông thì sẽ ra sao? Đội mũ vừa giảm va đập và chấn thương sọ não, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong. Thực tế số liệu đã chứng minh rằng sau 10 năm thực hiện, Việt Nam đã ngăn chặn được hơn 500.000 ca chấn thương sọ não. Cụ thể, tỷ lệ các bệnh nhân bị tổn thương não đã giảm từ 21% xuống 13%; bảo vệ hơn 15.000 mạng sống, tiết kiệm được hơn 3,5 tỷ USD. Đặc biệt, khi mà mũ bảo hiểm được sử dụng đúng cách, không sử dụng để đối phó với các chú công an, không đội mũ mà không cài quai vì như vậy khi gặp tai nạn mũ sẽ bị văng ra, không khác gì không sử dụng.

Khi đội mũ lên đầu cần kiểm tra thật kĩ xem quai mũ có vừa vặn hay không, không nên đội mũ quá lỏng mà cũng không quá chật. Hiện nay, do chạy theo mục đích lợi nhuận nhiều nên các nhà sản xuất cho ra mắt các loại mũ kém chất lượng, hàng giả hàng nhái rất nhiều, những chiếc mũ đó giá dao động chỉ từ 30.000 – 50.000 VNĐ. Mũ kém chất lượng kèm theo những hệ quả khó lường, sản xuất bằng nhựa pha, nhựa tái chế nên mỏng, giòn, dễ vỡ khi va đập gây rất nguy hiểm cho người sử dụng.

Vì vậy bạn hãy là một người tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm, chọn chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, khi mua nên kiểm tra mũ cẩn thận, mũ đạt chuẩn chất lượng là mũ có dấu CR, tên cơ sở sản xuất hoặc địa chỉ nhập khẩu, có giấu bảo hành chính hãng. Không nên vì lợi ích trước mắt, tiết kiệm vài nghìn đồng hay là chỉ quan tâm đến thời trang mà gây ra nguy hiểm cho bản thân.

Bên cạnh việc lựa chọn, sử dụng thì việc vệ sinh chiếc mũ cũng rất nên được quan tâm. Cần vệ sinh lớp tỏng đế hai tuần một lần, tránh để mũ va đập nhiều sẽ làm chất lượng mũ giảm xuống. Với lớp lót trong bạn nên giặt bằng dầu gội đầu, phơi khô để sử dụng tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu khi đội. Đối với những chiếc mũ mà đã sử dụng trên một năm thì các bạn cũng nên thay để đảm bảo an toàn về da nhé.

Thiết nghĩ, xã hội ngày càng phát triển, nhiều người lại vì những lợi ích trước mắt mà sẵn sàng kiếm lợi trên sự sống của người khác. Vì vậy, cần phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, xử lý nghiêm minh những sai phạm của các nhà sản xuất. Đồng thời phải ý thức được tầm quan trọng của nó, nhiều bạn vẫn sợ rối tóc, sợ xấu, sợ mất thời trang mà không đội mũ, đó là một sai lầm lớn và cũng cần phải có những chế tài cho những hành động này.

Nên Xem:  Nếu được chứng kiến cảnh Lão Hạc bán chó và câu chuyện của lão với ông Giáo, em sẽ kể lại câu chuyện đó như thế nào.

Mỗi chúng ta phải ý thức hơn trong việc sử dụng chiếc mũ thân yêu này, đó chính là người bạn tốt bảo vệ chúng ta trên mọi nẻo đường. Vì một xã hội tốt đẹp hơn nhé!

Bài làm 4

Chỉ cần bước chân ra ngoài đường là không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh chiếc mũ bảo hiểm song hành với những người tham gia giao thông bằng xe máy, xe mô tô. Quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã từ năm 2007 cho đến nay cũng đã hơn 15 năm và những lợi ích mà chiếc mũ bảo hiểm mang lại là vô cùng to lớn. Không phải vì là luật mà chúng ta mới sử dụng mũ bảo hiểm mà là bởi vì phần lớn chúng ta đã ý thức được tầm quan trọng của sản phẩm này.

Mũ bảo hiểm là một loại mũ đặc biệt để bảo vệ đầu con người mỗi khi tham gia giao thông. Nếu chẳng may trong quá trình lưu thông mà gặp phải những sự cố không may thì chiếc mũ sẽ làm giảm đi tác động lên vùng đầu. Cấu tạo của chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ có 3 lớp là vỏ ngoài, lớp lót trong và các phụ kiện đi kèm theo như quai mũ, kính chắn gió. Vỏ mũ được làm từ vật liệu nguyên sinh như nhựa tổng tổng hợp và có độ bền cao. Chúng được gia công bằng sợi cacbon tăng độ bền và độ nhẹ cho chiếc mũ. Bên trong lớp vỏ là một lớp lót từ loại xốp cao cấp nén tỉ trọng cao. Nhờ vậy mà mũ không bị ảnh hưởng nhiều khi có lực tác động mạnh. Bên trong mũ được thiết kế những lỗ thông gió. Chúng được thiết kế một cách khoa học giúp cho người tham gia giao thông cảm thấy thông thoáng khi di chuyển trên một chặng đường dài. Phần trước của mũ có mui chắn giúp cản trợ bụi bẩn, giảm áp lực của gió khi di chuyển nhanh và vẫn giúp cho người đội có thể nhìn rõ được.

Phía dưới của mũ bảo hiểm chính là quai mũ giúp cố định mũ trên đầu. Quai mũ có thể điều chỉnh dài ngắn sao cho phù hợp với kích thước đầu của người sử dụng. Khi đội mũ không nên để quai quá lỏng cũng như quá chật. Quai mũ thường được làm bằng dây dù vừa rẻ lại vừa bền. Một số loại mũ sử dụng dây da cao cấp hơn. Phần quai mũ được chia ra làm 2 phần để có thể gắn vào hoặc tháo ra nhờ một cái nắp giống như nắp cặp của học sinh. Có miếng cao su hay nhựa dẻo được gắn trên sợi dây có thể di động được sao cho vừa vặn với phần cằm. Ngoài ra, trên sợi dây cũng có một khớp nối để người sử dụng tùy chỉnh sao cho sợi dây khi cài ôm vừa vặn lấy đầu. Khi đội mũ, chỉ cần đặt mũ lên đầu rồi cài quai lại là xong.

Hiện nay có rất nhiều loại mũ bảo hiểm khác nhau chính vì vậy mà các hình dáng mũ cũng đa dạng. Phổ biến nhất là 2 loại mũ nửa đầu và mũ trùm kín đầu. Mũ trùm kín đầu to và nặng, thường được người ta nói vui là nồi cơm điện, nhưng độ an toàn mà nó mang lại là vô cùng to lớn mỗi khi tham gia giao thông trên quãng đường dài. Mũ bảo hiểm nửa đầu thì nhẹ hơn, hợp thời trang, tiện lợi, để vừa cốp xe nhưng ngược lại thì độ an toàn của nó không thể sánh bằng mũ trùm kín đầu. Ngoài ra, các nhà sản xuất còn thiết kế riêng mũ bảo hiểm cho công an, dân phượt.

Tỷ lệ người dân tham gia giao thông bằng xe máy ở Việt Nam khá là cao, chính vì vậy mà nhu cầu sử dụng mũ bảo hiểm khá lớn. Nhà sản xuất thì ngày càng tinh tế, nhẹ bén với thị trường hơn nên cho ra mắt các loại sản phẩm khác nhau rất hợp thị hiếu người dùng, mẫu mã đa dạng, bắt mắt. Mặc dù mũ bảo hiểm là một vật dụng để bảo vệ đầu nhưng không phải tất cả mũ nào cũng đảm bảo được chức năng như vậy. Hiện nay mũ bảo hiểm bị làm giả, làm nhái rất nhiều và được bán mức giá rẻ mạt dao động từ 30.000 – 50.000 VNĐ nhưng vẫn rất nhiều người mua để sử dung. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể mua được những chiếc mũ chính hãng đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng? Khi chọn mũ bảo hiểm bạn cần kiểm tra tem chống hàng giả dán trên mũ. Nếu mũ nhập khẩu còn có thêm tem kiểm tra. Ngoài ra trên mũ cũng có những thông số về kích thước, ngày sản xuất, địa chỉ sản xuất.

Hiện nay,rất nhiều nhà sản xuất vì lợi ích trước mắt mà có thể kiếm lợi bất chính trên sự sống của người khác. Họ cho ra rất nhiều loại mũ kém chất lượng không đảm bảo được độ an toàn khi sử dụng. Chính vì vậy, bạn hãy là người tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm, hãy mua những chiếc mũ có độ an toàn cao, không nên dung túng cho những hành vi sai trái đó. Bạn không nên cảm thấy phải sợ xấu, ngại, hay tiếc rẻ mạt mà làm giàu cho những người như vậy.

Bên cạnh việc biết cách sử dụng mũ bảo hiểm, vấn đề vệ sinh mũ cũng đáng được quan tâm. Muốn bảo quản chiếc mũ bảo hiểm thì bạn cần nhớ phải tránh không đề phẩn bên trong mũ bị ẩm ướt. Mũ của ai người đó sử dụng, không nên đội chung với người lạ để tránh bị những bệnh về da. Thỉnh thoảng cũng nên mang mũ đi khử trùng, vệ sinh để cho mũ được sạch sẽ và không làm hôi đầu mỗi lần đội. Nếu đã sử dụng mũ bảo hiểm được một năm trở lên thì bạn cũng nên thay mũ mới để có thể đảm bảo an toàn nhé.

Mũ bảo hiểm giống như một thiên thần hộ mệnh giúp cho con người mỗi chúng ta bảo vệ được bộ phận quan trọng nhất trên thân. Chính vì vậy, con người nhất thiết phải đội những chiếc mũ bảo hiểm chất lượng khi tham gia giao thông, đồng thời cần bảo quản chiếc mũ cẩn thận.

hochoi.net - Học Hỏi

Có thể sử dụng ctrl + F để copy code nhanh hơn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *