Trang chủ / Văn Mẫu THCS / Văn lớp 9 / Thuyết minh về trò chơi dân gian lớp 9 – Bài văn thuyết minh về trò chơi Keo co, thả diều, ô ăn quan, trốn tìm

Thuyết minh về trò chơi dân gian lớp 9 – Bài văn thuyết minh về trò chơi Keo co, thả diều, ô ăn quan, trốn tìm

Xã hội ngày càng phát triển kéo theo công nghệ thông tin, các máy móc hiện đại ra đời, con người càng ngày càng sáng tạo phát minh nhiều tính năng giải trí cao, hình ảnh sôi động, âm thanh đa dạng chiếm vị thế lớn trên thị trường và có tầm ảnh hưởng rất to lớn đối với giới trẻ hiện nay. Nhiều giới trẻ hiện nay mải mê chơi các trò chơi điện tử mà dường như còn không biết đến những trò chơi dân gian, mang những giá trị truyền thống của dân tộc như kéo co, thả diều, ô ăn quan, trốn tìm,.. Mỗi trò chơi đều đem lại cho con người những sự bổ ích, tạo ra niềm vui, niềm lạc quan trong cuộc sống. Thật đáng buồn cho những bạn trẻ không biết đến những trò chơi dân gian này. Trong chương trình Ngữ Văn 9, ta bắt gặp đề bài thuyết minh về trò chơi dân gian lớp 9. Hãy cùng tham khảo những bài viết dưới đây để sống lại với những kí ức tuổi thơ nhé. Chúc các bạn học tập thật tốt

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 THUYẾT MINH VỀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN LỚP 9 – KÉO CO

Việt Nam là một nước giàu truyền thống văn hóa với những giá trị đời sống tinh thần rất đa dạng phong phú. Trong đó, những trò chơi dân gian cũng được xem như là những nét đẹp văn hóa làm nên bản sắc cho dân tộc Việt Nam. Một trong những trò chơi thú vị và khá phổ biến là trò chơi kéo co.

Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi kéo co đã được phổ biến, len lỏi vào trong đời sống văn hóa giải trí của nhân dân ta một cách rất tự nhiên. Trò chơi kéo co vốn đã xuất hiện từ thời cổ đại. Những hình chạm trổ trên tường ngôi mộ cổ ở Ai Cập cho thấy người Ai Cập cổ đại đã từng tổ chức những cuộc thi đấu kéo co từ năm 2500 trước Công Nguyên. Dần dần trò chơi kéo co là một trò chơi quen thuộc của trẻ em nông thôn Việt Nam. Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội và là môn trọng vào sức mạnh. Nó không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần và mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền.

Để chơi kéo co thì rất đơn giản, không phải chuẩn bị gì nhiều, chỉ cần một cái dây thừng chắc chắn, dài khoảng 10 mét hoặc có thể dài hơn cũng được. Tùy thuộc vào số lượng người chơi để chuẩn bị độ dài dây thừng cho phù hợp. Luật chơi kéo co thì mỗi nơi một khác nhưng nhìn chung thì đều được chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình, giữa sợi dây có buộc một cái khăn đỏ,bên nào kéo đoạn dây có buộc khăn đỏ qua vạch của mình trước là thắng.Trò chơi kéo co thì không yêu cầu người chơi là nam hay nữ, ai cũng có thể chơi được chỉ cần có sức khỏe tốt là được. Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Ðang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào kéo thắng hai keo trước là thắng.Trong quá trình thi đấu giữa hai đội người ta cũng cử một người là trọng tài để phân định rõ ràng, thắng thua, khi tiếng còi cất lên hay có tiếng hiệu lệnh, thì cả hai bên phải dồn hết sức mạnh để kéo dây về phía mình. Một trận thi đấu chỉ diễn ra vài giây nhưng cũng có khi căng thẳng hơn kéo dài đến cả vài phút. Trong quá trình chơi phải cần có chiến thuật, kéo hết mình, nhiệt tình dùng hết sức lực. Trò chơi cũng đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao, nếu tay hơi bị phồng hoặc bị rát thì người ta vẫn không ngại vất vả, bỏ qua những nỗi đau nhỏ và thi đấu hết mình. Các cổ động viên thì nhiệt tình hò reo, khua chống, chiêng để cổ vũ. Đôi khi sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả cũng khiến cho đội chơi chiến thắng nhanh chóng hơn.

Nên Xem:  Nói về làng quê em vào ngày mùa

Trò chơi kéo co đem lại cho con người rất nhiều sự bổ ích, đem lại niềm vui tiếng cười, biết được tinh thần đoàn kết trong quá trình tham gia thi đấu. Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, con người dần bị cuốn theo công nghệ hiện đại, giới trẻ cũng dần chơi những trò chơi hiện đại mà quên đi những trò chơi dân gian truyền thống, bổ ích. Thế nhưng trò chơi dân gian kéo co vẫn đem lại những giá trị tinh dần của văn hóa dân tộc Việt và trở thành một nét đẹp mang bản sắc dân tộc.

Trò chơi kéo co vẫn sẽ mãi là thú vui của những trẻ em. Mỗi lần nhìn thấy trò chơi này, em cũng như được sống lại với kí ức tuổi thơ. Hi vọng rằng mọi người hãy chung tay trân trọng, niu giữ nét đẹp truyền thống này.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 THUYẾT MINH VỀ MỘT TRÒ CHƠI DÂN GIAN – THẢ DIỀU

  • “Cánh diều no gió
  • Tiếng nó chơi vơi
  • Diều là hạt cau
  • Phơi trên nong trời ”
  •         (“Thả diều”_Trần Đăng Khoa )

Hình ảnh con diều bay lượn trên bầu trời đã trở nên gần gũi và nên thơ trong cái nhìn của một người con đất Việt. Và thả diều từ lâu đã là một trò chơi dân gian gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam.

Trò chơi thả diều lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc. Chiếc diều đầu tiên được một người tên Lỗ Ban dùng gỗ chế tạo đã bay trên mảnh đất Trung Hoa, trở thành một nét văn hóa đặc sắc của họ. Dần dà, thú thả diều cũng được người dân Việt Nam ưa thích và trở thành một trò chơi dân gian, một phần của văn hóa dân tộc. Hình ảnh chú bé nằm vắt vẻo trên lưng trâu với con diều đang bay trên bầu trời cũng đã được các nghệ nhận tranh Đông Hồ đưa vào những bức vẽ của mình, là bóng dáng của một thời tuổi thơ chốn đồng quê.

Diều là một đồ vật thuộc loại khí cụ, mượn sức gió và sức đẩy của không khí để có thể bay lên cao. Diều thường có một khung bằng tre hoặc gỗ, được uốn thành các hình thù khác nhau. Khung diều không được quá mềm vì sẽ dễ bị gãy khi có gió lớn, và cũng không được quá cứng, nặng vì sẽ gây khó khắn khi cho diều đón gió. Trên các khung ấy là những tấm giấy màu sắc hoặc những tấm ni lông, được dán bằng keo để cố định trên khung. Người ta thường làm thêm cho diều một cái đuôi dài với những sợi tua rua để làm phần trang trí. Khi diều bay lên, những tua rua ấy sẽ bay phấp phới, tạo nên điểm nhấn và giúp hình ảnh chiếc diều trên trời xanh được đặc sắc hơn. Ngày nay, diều còn được làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau với đủ các kích cỡ, màu sắc, hình hài vô cùng phong phú và độc đáo. Diều được kết nối với sợi dây để chạy lấy đà giúp diều bay lên và giữ cho diều không bị bay đi mất.

Diều thường được thả vào những ngày có gió bởi như thế thì diều sẽ dễ lên hơn. Nhưng người chơi cần chọn ngày có gió vừa bởi gió to quá thì diều có thể bị cuốn đi mất. Cứ tầm chiều chiều, người ta sẽ đi thả diều rất đông, đặc biệt là ở những vùng đất cao, hút gió và rộng thoáng. Những vùng nông thôn, cứ đến khi mặt trời đã tắt, ánh nắng dịu nhẹ, không khí thoáng mát hơn là người ta lại đi thả diều. Hình ảnh những đứa trẻ chân đất chạy chân trần trên nền đất để đưa diều lên đã quá quen thuộc với cuộc sống thường nhật ở nơi thôn dã:

  • “ Cánh diều no gió
  • Nhạc trời réo vang
  • Tiếng diều xanh lúa
  • Uốn cong tre làng ”

Tiếng diều ấy là tiếng vi vu, là tiếng sáo diều thân thuộc. Nhiều con diều được gắn thêm một bộ sáo, khi bay lên, đón lấy gió thì sáo sẽ phát ra âm thanh ngân vang trong đất trời. Đây là loại diều rất đặc biệt và lá thú chơi có nguồn gốc từ các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.

Để thả được diều, người chơi phải biết cách chọn hướng và xác định gió. Nếu nhiều gió, người chơi chỉ cần đứng giật dây điều khiển cánh diều từ từ bay lên. Nếu trời đứng gió, nếu thấy ngọn cây vẫn đung đưa tức là gió ở trên cao, thì người chơi chạy đà để đưa cánh diều lên đủ tầm đủ để đón được gió. Khi ấy, cánh diều sẽ tiếp tục lên cao. Với những con diều nhỏ, diều giấy đơn giản, người chơi thường tập trung ở các vùng đồng quê. Còn với những con diều to, người ta lại thường tìm đến vùng biển nơi đón đầu những cơn gió khơi xa. Khi thả diều, người chơi không được quá lơ là mà cần chuyên tâm để diều không bị rơi xuống hay mắc dây vào những con diều khác. Đây cũng là trò chơi đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, nếu cả thèm chóng chán hay nóng tình thì rất khó để đưa được diều lên cao.

Nên Xem:  Thuyết minh về chiếc cặp sách, bài văn mẫu về cái cặp sách của em hay ngắn gọn

Là một trò chơi dân gian, một nếp sinh hoạt truyền thống, thả diều đã trở thành thú vui không thể thiếu mỗi khi hè về. Đây cũng là lúc người ta được giải tỏa căng thẳng khi ngắm nhìn những con diều uốn lượn trên trời cao, được nằm dài nhìn trời đất cùng những cánh diều no gió, được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả. Đời sống ngày càng phát triển, những cánh diều cũng ngày càng thêm phong phú hơn, và từ đó, người ta đã mở những hội đua diều, ngày mà mọi người được khoe tài làm diều và cùng chung vui trong không khí háo hức của lễ hội. Những lễ hội này thường được diễn ra ở các vùng biển như Vũng Tàu, Phan Thiết,…

Những con diều đã cất cánh bay lên trời cao, cũng mang theo một nét đẹp văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc được tung cánh, chở theo bao ước mơ của những đứa trẻ thôn quê. Cánh diều cứ yên bình ngắm nhìn trời đất như thế, yên bình nhìn ngắm khung cảnh đất nước thanh bình, vẽ một nét mực trong bức tranh thôn dã tĩnh lặng của quê hương Việt Nam

BÀI VĂN MẪU SỐ 3 THUYẾT MINH VỀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN (Ô ĂN QUAN)

“Cho tôi xin về thời ô ăn quan, rồi cùng chơi chắc rồi cùng chơi quay” Lời bài hát cất lên lòng tôi lại nhớ về những ngày thơ ấu. Không siêu nhân, không điện tử, mấy đứa nhỏ trong làng kéo nhau ra bàn chơi ô ăn quan.

Nhắc đến ô ăn quan, chắc hẳn bao bạn bè tầm tuổi tôi ngày xưa đều thông thạo. Trò chơi này có nguồn gốc từ xa xưa rồi. Tôi chỉ được nghe qua lời bà do người xưa lưu truyền rằng: Vào thời trạng nguyên 1086, Mạc Hiển Tích có một tác phẩm liên quan đến các phép tính trong trò chơi ô ăn quan. Những thông tin về nguồn gốc của nó, tôi chỉ biết đến vậy.

Mặc dù vậy, nhưng về cách chơi, chúng tôi vô cùng nắm rõ. Đầu tiên đến với khâu chuẩn bị. Trước hết phải chọn nơi để đặt bàn chơi, diên tích không cần quá lớn, chỉ cần đủ cho hai đến ba người chơi. Có thể là một góc nhỏ trong ngõ, hay ở đầu làng, hay trên một bàn đá. Tiếp đó là chuẩn bị một mảnh gạch nhỏ hay một viên phấn để ve khung chơi. Khung chơi ở đây hình chữ nhật, dài tầm một mét hoặc hơn tùy thuộc vào người chơi. Sau đó chia hình chư nhật thành 10 ô bằng nhau. Hai bên cạnh ngắn của hình chữ nhật tạo thành hình bán nguyệt hay hình vòng cung. Sau bước chuẩn bị, ta đi tìm 50 viên sỏi hoặc viên đá hoặc là những miếng nhựa có kích thước đều nhau, chia đều vào 10 ô trong hình chư nhật gọi là ô dân. Còn hai ô vòng cung kia gọi là ô quan. Đặt vào mỗi bên một viên sỏi to hoặc một viên đá to có kích thước lớn, màu sắc khác nhau để phân biệt

Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi, hai người chơi được chia làm 2 đội: đội A và đội B. Để cho công bằng thì hai bên oẳn tù tì xem bên nào thắng tức là bên đấy được quyền xuất quân trước. Người chơi bên đội A(hoặc đội B)người viên thắng dùng 5 quân trong  10 ô bất kì rải lần lượt vào các ô còn lại xuôi ngược tùy ý bao gồm cả ô quan lớn. Tuy nhiên việc chia vào cả ô quan còn phụ thuộc vào cách chơi ở từng vùng miền. Đến khi 5 viên đá hay sỏi ta đa rải hết ở các ô thì tra có quyền lấy sỏi ở ô tiếp theo để tiếp tục rải. Cho đến khi nào viên sỏi cuối cùng được dùng cách khoảng là một ô trống thì số sỏi ở ô bên cạnh được bỏ ra ngoài và thuộc về người vừa rải chỗ đá hoặc sỏi ấy. Và đến khi nào viên sỏi cuối cùng dừng lại ở 2 ô trống liên tiếp thìu người đó coi như là mất lượt và phải nhường lại để bên B đi quân của mình. Người chơi tiếp theo cung chơi tương tự như bên A chơi. Và cứ thế hai người đi quân cho đến khi số quân ở từng ô hết. Người nào có số viên đá hay sỏi nhiều hơn thì người đó thắng. Và còn một điều chú ý nữa ở đây đó là 1 quan được quy đổi thành 5 hay 10 dân còn phụ thuộc vào thỏa thuận của người chơi ban đầu.

Mặc dù nghe có vẻ chơi đơn giản nhưng để chiến thắng thì người chơi phải tính toán thật nhanh, đòi hỏi sự nhanh trí, bởi để tính toán cho bước đi tiếp theo sao cho có thể ăn được nhiều quân thì người chơi chỉ có thể suy nghi nhiều nhất trong 30 giây.

Nên Xem:  Soạn bài Tổng kết về từ vựng đầy đủ hay nhất

Như vậy việc chơi trò ô ăn quan không chỉ đem lại niềm vui cho các bạn thiếu nhi, cho những cô cậu học trò sau một giờ học căng thẳng ở trường. Hơn nữa khi chơi trò chơi này, nó sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hai người chơi, tạo nên sự gần gũi, gắn kết tình bạn trở nên khăng khít. Rèn luyện cho người chơi kĩ năng tính toán tốt, xử lí tình huống một cách nhanh chóng.

Hơn nữa việc chơi ô ăn quan cũng góp phần bảo vệ một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc. Như vậy, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc gìn giữ và phát triển trò chơi ô ăn quan này càng ngày càng quan trọng và cần được lưu tâm.

Mong rằng trò chơi này sẽ được phổ biến rộng hơn để nhiều bạn trẻ ở mọi lứa tuổi có thể tiếp cận được, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn cũng như phát triển trí óc cho các bạn.

BÀI VĂN MẪU SỐ 4 THUYẾT MINH VỀ TRÒ CHƠI DÂN GIAN (TRỐN TÌM)

Từ xa xưa trốn tìm đã là trò chơi đậm chất dân gian của hầu hết trẻ em ở Việt Nam. Trốn tìm là trò chơi vui nhộn đem lại niềm vui, tiếng cười cho những đứa trẻ, trò chơi này đã trở thành trò chơi quen thuộc và gắn bó với một thời tuổi thơ đẹp đẽ của mỗi con người.

Đã gọi là trò chơi dân gian nên nó đã xuất hiện từ xa xưa và là trò chơi phổ biến,hầu hết mọi người ai cũng biết đến trò chơi này. Trò chơi trốn tìm đem đến niềm vui và sự gắn kết giữa tâm hồn trẻ thơ trong sáng của mỗi đứa trẻ.

Là trò chơi dân gian của Việt Nam và là trò chơi tập thể nên nó đòi hỏi sự nhanh nhẹn khéo léo và trí thông minh của người chơi, trò chơi này có ưu điểm là không kén chọn địa điểm chơi, ta có thể chơi ở mọi nơi, mọi loại địa hình, ta có thể chơi ở trường học, công viên, sân nhà hay là nơi không gian hẹp như trong nhà ta cũng có thể chơi được.

Với loại trò chơi tập thể này thì có càng nhiều người chơi càng vui, tối thiểu để chơi được trò chơi này là cần có một người bịt mắt, người đó có nhiệm vụ đi tìm những người còn lại sau khi người chơi khác trốn hết. Chính vì vậy hầu hết những đứa trẻ khi chơi trò này, không muốn đứa nào muốn làm nhiệm vụ này, nên khi bắt đầu chơi sẽ có một trò chơi phụ l là: oẳn tù xì. Mọi người sẽ oẳn tù xì với nhau cho tới khi tìm ra người thua cuộc, người thua cuộc cuối cùng sẽ là người phải bịt mắt và đi tìm, người bị bịt mắt này sẽ chỉ phải làm nhiệm vụ này trong lượt chơi đầu tiên, nếu thắng trong lượt chơi đầu này, thì người thua trong lượt chơi đầu sẽ phải làm nhiệm vụ này, đó là bịt mắt và đi tìm trong những lượt chơi tiếp theo. Người đi tìm sẽ phải bịt mắt bằng một chiếc khắn và úp mặt vào tường, vào cột, hoặc vào cây,… và đếm “năm…mười…mười lăm…hai mươi…” rồi đếm như vậy cho đến một trăm. Trong khoảng thời gian, những người còn lại sẽ phải đi tìm chỗ trốn, đó là lúc phải vận dụng sẽ nhanh nhẹn và thông minh, họ phải tìm chỗ trốn sao cho kín đáo để không ai tìm ra mình, và phải trốn thật nhanh trong khoảng thời gian người bịt mắt đếm, sau khi đếm xong người bịt mắt sẽ tháo khăn bịt mắt và bắt đầu đi tìm. Người nào bị tìm ra và không kịp chạm tay vào điểm ban đầu, nơi người bịt mắt úp mặt vào sẽ trở thành người thua cuộc, và sẽ bị bịt mặt trong ván tiếp, nhưng nếu nhiều người thua thì những người ấy lại phải tiếp tục oẳn tù xì với nhau để tìm ra người thua cuối cùng phải bị bịt mắt.

Trốn tìm là một trò chơi dân giân lý thú, đem lại niềm vui và nó gắn hết những đứa trẻ gần lại với nhau, đặc biệt trong xã hội hiện đại hiện nay, khi mà mỗi người càng ít giao tiếp với nhau thì trò chơi trốn tìm sẽ là một trong những trò chơi gắn kết mọi người, đưa mọi người gần gũi với nhau.

Trốn tìm không chỉ là trò chơi dân gian, mà nó còn là trò chơi giải trí gắn kết mọi người bởi tính tập thể của nó, bên canh đó nó đem lại giây phút tuổi thơ vui vẻ, để lại những kỉ niệm khó quên cho những đứa trẻ.

Nguồn Internet

hochoi.net - Học Hỏi

Có thể sử dụng ctrl + F để copy code nhanh hơn nhé!