Trang chủ / Văn Mẫu THPT / Văn lớp 12 / Bình luận và giải thích câu nói Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia

Bình luận và giải thích câu nói Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia

Bình luận và giải thích câu nói Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia

Hướng dẫn

Tấm lòng yêu thương, vị tha là thứ tình cảm gắn kết giữa con người với con người trong xã hội, khi có tấm lòng nhân hậu con người mới có thể sẻ chia và đồng cảm với người khác. Anh chị hãy bình luận và giải thích về câu nói: ” Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia”.

I. Dàn ý chi tiết cho đề bình luận câu nói Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát ý nghĩa của câu nói “Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia”: Đây là một câu nói đúng đắn thể hiện rõ vai trò và sức mạnh của tấm lòng nhân hậu trong việc hình thành nên thái độ cùng những hành động đồng cảm sẻ chia trong thế giới đầy phức tạp của con người.

2. Thân bài

– Giải thích nội dung câu nói:

+ Nhân hậu chính là lòng tốt, sự yêu thương và trân trọng của người với người.

+ Đồng cảm là sự cảm thông, thấu hiểu với những đau khổ của người khác.

+ Sẻ chia là sự “chia ngọt sẻ bùi”, biết san sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, nhất là trong những lúc khó khăn hoạn nạn.

→ nhân hậu chính là gốc rễ tạo nên mọi hành động đồng cảm, sẻ chia.

– Tại sao “Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia”:

+ Lòng nhân hậu với biểu hiện cụ thể qua sự đồng cảm, sẻ chia là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta, thể hiện qua:

  • Những cử chỉ giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, bao bọc chở che nhau bước qua khó khăn.
  • Những hành động vô cùng giản dị như những lời khuyên nhủ, động viên khi ai đó gặp thất bại, hay giúp đỡ một phần nhỏ về tinh thần.

+ Lòng nhân hậu có thể tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn:

  • Giúp con người vượt qua mọi khó khăn thử thách, đưa con người đến với hạnh phúc
  • Là liều thuốc tốt nhất để giúp con người chống lại căn bệnh vô cảm.
  • Dẫn chứng: những chương trình thấm đẫm giá trị nhân văn như “Hiến máu tình nguyện”, “Khám, chữa bệnh miễn phí”, “Ủng hộ người nghèo”,…đặc biệt là chương trình “Trái tim cho em”.

– Rút ra bài học nhận thức và hành động:

+ Bài học nhận thức mà câu nói đem lại: sống phải biết nhân hậu để đồng cảm và sẻ chia.

Nên Xem:  Kể về một nghệ sĩ hài mà em yêu thích

+ Từ đó rút ra những bài học rèn luyện và hành động:

  • Lên tiếng kêu gọi mọi người xung quanh về lối sống sẻ chia
  • Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội như ủng hộ, quyên góp,..
  • Phê phán, lên án những hành động vô cảm, không biết đồng cảm, sẻ chia và thờ ơ trước nỗi đau của người khác.

3. Kết bài

Khái quát ý nghĩa của câu nói: Trong thời đại công nghiệp hóa- hiện đại hóa, xu hướng chạy theo của cải, vật chất lên ngôi thì câu nói “Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia” càng mang ý nghĩa thiết thực và có tác dụng nhắc nhở thế hệ trẻ đâu mới là giá trị đích thực, bền vững của cuộc sống.

II. Bài tham khảo cho đề bình luận về câu nói có nhân hậu mới có đồng cảm sẻ chia

Con người là sinh vật bé nhỏ trước thế giới bao la. Con người có thể yếu đuối nhưng cũng thật mạnh mẽ. Có biết bao nỗi đau có khi khiến ta phải khóc, nhưng không thể khiến ta lùi bước. Những lúc như vậy, nếu nhận được tình yêu thương, sự đồng cảm sẻ chia tiếp sức thì chắc chắn rằng ta sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua. Đó chính là sức mạnh của sự đồng cảm và sẻ chia! Nó có thể tạo nên một ngọn lửa ấm áp lan truyền tới triệu triệu trái tim con người Việt Nam. Vậy điều gì đã tạo nên ngọn lửa sẻ chia đồng cảm đó? Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: “Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia”. Đây là một câu nói đúng đắn thể hiện rõ vai trò và sức mạnh của tấm lòng nhân hậu trong việc hình thành nên thái độ cùng những hành động đồng cảm sẻ chia trong thế giới đầy phức tạp của con người.

Nhân hậu chính là lòng tốt, sự yêu thương và trân trọng của người với người. Đồng cảm là sự cảm thông, thấu hiểu với những đau khổ của người khác, còn sẻ chia là sự “chia ngọt sẻ bùi”, biết san sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, nhất là trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Cũng giống như “Cây có cội, sông có nguồn”, nhân hậu được xem là gốc rễ, là cội nguồn của sự đồng cảm sẻ chia, giống như Khổng Tử đã từng nói: “Nhân là cái gốc của đạo lí; kẻ có nhân mới có thể tích đức, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Câu nói “Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia” đã thể hiện một chân lí đúng đắn về giá trị và biểu hiện của tình yêu thương: lòng nhân hậu có thể hình thành nên sự đồng cảm sẻ chia sâu sắc giữa người với người trong xã hội đầy rẫy những khó khăn thử thách.

Nên Xem:  Trình bày những đặc sắc nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn Một người Hà Nội

Lòng nhân hậu với biểu hiện cụ thể qua sự đồng cảm, sẻ chia là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đó chính là sự nhân đạo qua những cử chỉ giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, bao bọc chở che nhau bước qua khó khăn giống như ông cha ta đã đúc kết: “Lá lành đùm lá rách” hay “Thương người như thể thương thân”,… Những hành động đó có lúc chỉ là những hành động vô cùng giản dị như những lời khuyên nhủ, động viên khi ai đó gặp thất bại, hay giúp đỡ một phần nhỏ về tinh thần nhưng có thể đối với người khác, những điều bé nhỏ ấy có thể giúp họ bớt chênh vênh và đứng vững. Sau khi giành được độc lập năm 1945, đất nước ta rơi vào tình trạng “Ngàn cân treo sợi tóc” và phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trong đó có nạn đói. Và để vượt qua nạn đói kinh hoàng đó, toàn dân ta đã hưởng ứng và tham gia “Hũ gạo cũ đói”. Cuối cùng, sức mạnh của tinh thần “Nhường cơm sẻ áo” đã giúp nhân dân ta vượt qua và giữ vững nền độc lập tự chủ.

Lòng nhân hậu có thể tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn, không những giúp con người vượt qua mọi khó khăn thử thách, đưa con người đến với hạnh phúc mà còn là liều thuốc tốt nhất để giúp con người chống lại căn bệnh vô cảm. Hiện nay, có rất nhiều sự sẻ chia, đồng cảm không chỉ là những hành động, nghĩa cử cao đẹp và cũng không dừng lại ở tính chất nhân nghĩa, nhân đạo nữa; mà đã nâng lên thành tầm vóc của tính nhân văn. Đó là những chương trình thiết thực như “Hiến máu tình nguyện”, “Khám, chữa bệnh miễn phí”, “Ủng hộ người nghèo”,…đặc biệt là chương trình “Trái tim cho em” được thành lập với mục đích tổ chức những ca phẫu thuật cho những em nhỏ sinh ra với trái tim không lành lặn do căn bệnh tim bẩm sinh hành hạ. “Trái tim cho em”- tên gọi không chỉ gợi ra hình ảnh của một trái tim khỏe mạnh mà còn là biểu tượng cho hàng triệu trái tim có chung một nhịp đập- đó là tình yêu thương đồng loại. Đó thực sự là những hoạt động, phong trào cần được biểu dương, khen ngợi và nhân rộng hơn nữa trong đời sống con người.

Tất cả những hành động đồng cảm và sẻ chia xuất phát từ lòng nhân hậu đã thể hiện một chân lí: “Tình thương là hạnh phúc của con người”. Nếu biết trao yêu thương, chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn thế; còn nếu sinh ra với một trái tim khỏe mạnh nhưng không biết cho đi, không biết làm đầy sự bất hạnh và nỗi đau của người khác thì có nghĩa là chính chúng ta mới là những người có trái tim không toàn vẹn. Và “mọi phẩm chất đều ở trong hành động”, quan trọng là con người phải biết hướng tới những việc làm, cử chỉ cao đẹp; phải biết đồng cảm, sẻ chia với những nỗi đau, bất hạnh của người khác giống như nhà thơ Tố Hữu từng viết:

Nên Xem:  Phân tích bài Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

“Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời

Con người muốn sống con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng

Con người đâu phải nhân gian

Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi”

(“Tiếng ru”)

Vậy thì chúng ta- tôi và bạn, những người đang được tiếp thu một nền văn hóa tiên tiến- những con người được sống trong tình yêu thương đã thực sự biết đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau của người khác hay chưa? Mong rằng, ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ cùng nhau chung tay làn truyền ngọn lửa của tinh thần nhân ái bằng những hành động đồng cảm, sẻ chia và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội như quyên góp, ủng hộ từ thiện hay giản đơn chỉ là những lời an ủi, động viên về mặt tinh thần, bởi “Một hành động giúp đỡ người khác là kết quả của một lối sống coi trọng nhân nghĩa”. Những hành động đồng cảm, sẻ chia ngời sáng từ tấm lòng nhân hậu càng được biểu dương, khen ngợi bao nhiêu thì những lối sống ích kỉ, không biết đồng cảm, chia sẻ lại cần bị lên án, phê phán bấy nhiêu. Hiện nay, có rất nhiều người có cuộc sống vật chất đủ đầy nhưng lại thờ ơ, vô cảm, thậm chí tàn nhẫn đối với nỗi đau của người khác. Họ đâu biết rằng, có khoản tiền đối với họ chẳng là gì nhưng đối với người khác lại là một mong ước xa vời. Biết đâu, kinh phí chữa bệnh là niềm ao ước đối với những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn thì chỉ là số tiền cho vài giờ ăn chơi cho những cô chiêu, cậu ấm ăn chơi sa đọa. Những hành vi vô cảm, vô nhân đạo đó cần bị lên án, phê phán gay gắt hơn nữa.

Trong thời đại công nghiệp hóa- hiện đại hóa, xu hướng chạy theo của cải, vật chất lên ngôi thì câu nói “Có nhân hậu mới biết đồng cảm sẻ chia” càng mang ý nghĩa thiết thực và có tác dụng nhắc nhở thế hệ trẻ đâu mới là giá trị đích thực, bền vững của cuộc sống. Hãy dùng sức mạnh của tình thương, lòng nhân hậu, sự đồng cảm, sẻ chia để sưởi ấm Trái Đất, bởi “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực, mà là nơi không có tình thương”.

hochoi.net - Học Hỏi

Có thể sử dụng ctrl + F để copy code nhanh hơn nhé!