Trang chủ / Văn Mẫu THPT / Văn lớp 12 / Bình luận và giải thích ý nghĩa câu ca dao Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần

Bình luận và giải thích ý nghĩa câu ca dao Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần

Bình luận và giải thích ý nghĩa câu ca dao Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần

Hướng dẫn

Đề bài: Dựa vào những hiểu biết của mình, anh chị hãy bình luận và giải thích ý nghĩa của câu ca dao:

Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

I. Dàn ý chi tiết cho đề giải thích câu ca dao

1. Mở bài

Giới thiệu về câu ca dao và nội dung khái quát: Giữa những con người có chung huyết thống và cùng mang trong mình một dòng máu luôn có mốt sợi dây liên kết được tạo nên bởi tình thân, tình yêu thương và đồng cảm sâu sắc, đặc biệt là về tình cảm giữa những anh chị em ruột thịt. Câu ca dao sau đã thể hiện rõ tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp này:

“Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

2. Thân bài

Giải thích nội dung câu ca dao

+ “Anh em”: những người cùng chung một dòng máu.

+ “Tay chân”: hình ảnh mang tính trực quan

  • chỉ những bộ phận quan trọng trên cơ thể người.
  • cùng nhau gắn bó và hỗ trợ nhau để con người tồn tại một cách hoàn chỉnh và trọn vẹn hơn.

Lối ví von so sánh, độc đáo.

“Rách” chỉ sự không lành lặn, vì thế nó trở thành hình ảnh biểu tượng cho sự nghèo khổ thiếu thốn, khó khăn hoạn nạn.

+ “lành” chỉ sự ấm no, đủ đầy và biểu trưng cho cuộc sống đủ đầy.

→ Câu ca dao trên đã thể hiện một bài học đạo đức về tình cảm anh em: anh em ruột thịt phải luôn gắn bó keo sơn như tay chân.

– Tại sao anh chị em ruột thịt cần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau

Nên Xem:  Trình bày suy nghĩ về tục ngữ: "Tháng giêng ăn nghiêng bồ thóc"

+ Gia đình luôn là một điều thiêng liêng và gắn với những ý niệm cao cả, thể hiện qua quan hệ tình nghĩa như “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Máu chảy ruột mềm”,…

+ Anh em ruột thịt yêu thương nhau để hoàn thiện bức tranh chỉnh thể về gai đình và tạo nên sự ấm cúng, yên vui.

+ Giữa anh em không chỉ có sợi dây liên kết về huyết thống và còn có sự gắn bó qua những năm tháng lớn lên, trưởng thành bên nhau.

+ Yêu thương, đùm bọc anh chị em trong gia đình để nhân rộng tình yêu thương đùm bọc giữa người với người.

– Rút ra bài học kinh nghiệm

+ Gìn giữ, bảo vệ tình cảm này, luôn yêu thương và che chở cho anh chị em trong gia đình

+ Không được để cho sự ích kỉ và lòng tham của bản thân chiến thắng tình cảm anh em.

3. Kết bài

Khái quát nội dung, ý nghĩa của câu ca dao: Bằng cách nói giản dị và lối ví von so sánh độc đáo, câu ca dao trên đã thể hiện một bài học đạo đức về giá trị của tình thân: anh chị em ruột trong cùng một gia đình cần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau dù trong lúc đủ đầy hay khó khăn hoạn nạn. “Gia đình là tế bào của xã hội”, bởi vậy chúng ta cần gìn giữ tình cảm gia đình để tạo nên một xã hội đầy tình thương và lòng bác ái.

II. Bài tham khảo cho đề giải thích câu ca dao

“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Câu tục ngữ trên đã thể hiện rõ tình cảm gia đình vô cùng thiêng liêng và tốt đẹp. Giữa những con người có chung huyết thống và cùng mang trong mình một dòng máu luôn có mốt sợi dây liên kết được tạo nên bởi tình thân, tình yêu thương và đồng cảm sâu sắc, đặc biệt là về tình cảm giữa những anh chị em ruột thịt. Câu ca dao sau đã thể hiện rõ tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp này:

“Anh em như thể tay chân

Nên Xem:  Trình bày suy nghĩ về nhận định Chiến và Việt trong Những đứa con trong gia đình vừa có nét giống nhau vừa khác nhau

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

Để nói về tình cảm anh em gắn bó ruột thịt, trong câu ca dao trên, tác giả đã sử dụng hình ảnh so sánh ví von đầy độc đáo, ví tình cảm anh em vốn trừu tượng và không thể cảm nhận bằng trực giác với những bộ phận trên cơ thể người, mang tính cụ thể và trực quan là “tay chân”. Tay chân vốn là những bộ phận quan trọng trên cơ thể người mà nếu thiếu đi, con người sẽ bị hạn chế về hoạt động và khó khăn hơn rất nhiều. Tay và chân cùng nhau gắn bó và hỗ trợ nhau để con người tồn tại một cách hoàn chỉnh và trọn vẹn hơn.

Cũng giống như tay chân tồn tại trên cùng một cơ thể, anh em cùng sinh ra trong một gia đình, cùng chảy chung một dòng máu nên luôn gắn bó giúp đỡ lẫn nhau: “Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”. “Rách” chỉ sự không lành lặn, vì thế nó trở thành hình ảnh biểu tượng cho sự nghèo khổ thiếu thốn, khó khăn hoạn nạn; còn “lành” chỉ sự ấm no, đủ đầy và biểu trưng cho cuộc sống đủ đầy. Như vậy, câu ca dao trên đã thể hiện một bài học đạo đức về tình cảm anh em: anh em ruột thịt phải luôn gắn bó keo sơn như tay chân, dù có cuộc sống giàu sang đủ đầy hay khó khăn hoạn nạn đều phải đùm bọc, yêu thương lẫn nhau.

Tình cảm anh em ruột thịt luôn gắn bó với sự yêu thương, đùm bọc vì gia đình luôn là một điều thiêng liêng và gắn với những ý niệm cao cả, thể hiện qua quan hệ tình nghĩa như “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Máu chảy ruột mềm”,… Anh em có sự gắn bó khăng khít trong bức tranh đầy đủ chỉnh thể của gia đình, vậy nên dù có bất kì điều gì xảy ra thì vẫn luôn bao bọc và yêu thương nhau để tạo nên một mái ấm gia đình hạnh phúc và yên vui. Tình cảm đó không có sự phân biệt giàu nghèo, khó khăn hoạn nạn, lúc khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Sự chở che đó đã được hình thành từ thời thơ ấu với tuổi thơ gắn bó bên nhau:

Nên Xem:  Đề thi học sinh giỏi về truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

“Yêu nhau từ thuở trong nôi

Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”

Anh em trong cùng một nhà đã trải qua những năm tháng tuổi thơ lớn lên bên nhau, vì thế sợi dây gắn bó giữa họ không chỉ là chung huyết thống mà còn trải qua thời gian thơ ấu với rất nhiều kỉ niệm êm đẹp. Đây cũng chính là một trong những biểu hiện nằm trong truyền thống yêu thương con người “thương người như thể thương thân” tốt đẹp của dân tộc ta. Bởi chỉ khi đùm bọc những người thân yêu trong gia đình thì tình cảm ấy mới được nhân rộng ra ở phạm vi rộng hơn như câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Thực tế đã chứng minh, tình cảm anh em luôn là một tình cảm thiêng liêng, cao quý, thể hiện qua “chia ngọt sẻ bùi” và “chị ngã em nâng”. Bởi vậy, chúng ta cần gìn giữ, bảo vệ tình cảm này, luôn yêu thương và che chở cho anh chị em trong gia đình và không được để cho sự ích kỉ và lòng tham của bản thân chiến thắng tình cảm anh em như trong câu chuyện cổ tích “Cây khế” hay như câu ca dao:

“Tưởng rằng chị ngã em nâng

Ai ngờ chị ngã, em bưng miệng cười”

Như vậy, bằng cách nói giản dị và lối ví von so sánh độc đáo, câu ca dao trên đã thể hiện một bài học đạo đức về giá trị của tình thân: anh chị em ruột trong cùng một gia đình cần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau dù trong lúc đủ đầy hay khó khăn hoạn nạn. “Gia đình là tế bào của xã hội”, bởi vậy chúng ta cần gìn giữ tình cảm gia đình để tạo nên một xã hội đầy tình thương và lòng bác ái.

hochoi.net - Học Hỏi

Có thể sử dụng ctrl + F để copy code nhanh hơn nhé!