Trang chủ / Văn Mẫu THCS / Văn lớp 8 / Cảm nhận về bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên

Cảm nhận về bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên

Cảm nhận về bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên

Bài làm 1

Vũ Đình Liên thường được gọi là nhà thơ của ông đồ. Ông bước vào thơ mới với một hồn thơ hồn hậu, với tấm lòng thương cảm, trắc ẩn chân thành, lay động tới những nơi sâu nhất của trái tim, của cảm xúc. “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, với dấu ấn riêng biệt và sức lay động âm thầm mà mạnh mẽ đã đi vào lòng người, chạm vào những ngóc ngách sâu thẳm, kín đáo nhất của tâm hồn thi vị đầy nghệ thuật của chúng ta.

Mở đầu bài thơ, Vũ Đình Liên đưa ta ngược dòng thời gian, trở về với Hà Nội xưa:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”.

Hình ảnh ông đồ xuất hiện ở phố phường Hà Nội mỗi dịp Tết đến, xuân về như một lẽ thường tình, đặt bên quy luật của tạo hóa “hoa đào nở”. Chưa bao giờ lại có một cảnh sắc làm ấm lòng người như thế: Ông đồ mài nghiên bút, với giấy đỏ, mực tàu trong không khí se lạnh nhưng đẹp đẽ của thời khắc chuyển giao, dưới sắc hồng của hoa đào đẹp đẽ, xinh xắn. “Phố đông người qua”, trong sự rộn ràng và không khí náo nức ngày Tết cổ truyền của dân tộc nổi lên hình ảnh “ông đồ già”, là trung tâm của phố phường đông đúc. Bao cảm xúc đẹp đẽ, ấm áp trào dâng. Vần thơ của “ông đồ” chậm rãi lướt qua những mềm mại, xúc cảm nhất trong ta, để lại ta với những dư vị ngọt ngào, khó quên như trở lại với Hà Nội của ông đồ – Hà Nội xưa kia.

“Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”.

Ông đồ cùng chữ của ông là nét đẹp văn hóa cổ truyền dân tộc, là giá trị tinh thần trân quý của con dân Việt Nam. Tết đến, xuân về, người ta rũ đi những buồn phiền, cay đắng, làm lại từ đầu: Năm mới- Bắt đầu mới. Chữ của ông đồ được mến mộ, trọng vọng vì chữ ông đẹp “như phượng múa rống bay” và vì ông đồ là đại diện cho tầng lớp nhà nho cao quý. Ta như hòa mình vòng dòng “người thuê viết” ấy, cùng ngắm nhìn cái cách ông đồ khoan thai “thảo những nét chữ” uốn lượn, mềm mại như ngập tràn cả sắc xuân phơi phới; ngập tràn những mong ước, hứa hẹn, những lời chúc chân thành nhất. Câu đối của ông đồ mang một giá trị bản sắc văn hóa dân tộc sâu sắc, được mọi người kính trọng treo lên ở bàn thờ, ở những nơi trang trọng nhất. Vũ Đình Liên không chỉ phản ánh vẻ đẹp văn hóa ấy mà còn tôn vinh nó bằng tất cả lòng kính yêu và sự trân trọng của một người nghệ sĩ, một người nghệ sĩ Việt Nam.

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu ?

Giấy đỏ buồn không thắm;

Mực đọng trong nghiên sầu…”

Dường như, Vũ Đình Liên đã viết những câu thơ này bằng tấm lòng nhạy cảm, cái nhìn tinh tế nhất về sự thay đổi ngỡ ngàng của thời đại. Một nét đẹp trong văn hóa dân tộc dần bị quên lãng. Lỗi do ai ? Cơn lốc xô bồ của cuộc sống, sự hào quang, xa xỉ của những vật phẩm lộng lẫy đã khiến vẻ đẹp của chữ ông đồ dần mai một đi trong tinh thần của mỗi con người Việt Nam. Đây là dấu hiệu bắt đầu của sự quên lãng. Câu hỏi tu từ “Người thuê viết này đâu ?” như là một câu hỏi đầy xót xa của ông đồ, hay cũng chính nỗi lòng tác giả, dội vào lòng, vào tâm ta một cách đau thương và bất lực nhất. Sắc đỏ của giấy mờ nhạt dần, mực đọng thành khối u sầu, lắng xuống đáy nghiên. Lặng im. Không hiểu sao Vũ Đình Liên lại mang đến cho tôi cái cảm nhận của sự im lặng. Đương nhiên không phải sự im lặng yên bình, ấm áp cõi lòng mà là sự im lặng đến xót xa không tưởng của cõi lòng nguội lạnh. Đoạn thơ nhuốm một màu buồn bã, yên ắng đến đáng thương.

“Ông đồ vẫn ngồi đấy,

Qua đường không ai hay,

Lá vàng rơi trên giấy,

Ngoài trời mưa bụi bay…”.

Đỉnh cao của sự lãng quên là gì ? Đó là khi sự xuất hiện của bạn chẳng đáng một vai trò gì vào cuốc sống của người khác, có chăng cũng chỉ là phố phường đông thêm một chút. Vậy thôi. Ông đồ đã bị lãng quên. Thật sự. Nếu ở khổ thơ trên, “Mỗi năm mỗi vắng” chí ít vẫn còn vài người còn trân trọng bản sắc văn hóa và nhớ tới ông đồ già, thì cái thảm cảnh “Qua đường không ai hay” là lời lên án khốc liệt nhất về sự thờ ơ, lạnh lẽo của lòng người. Không một ai nhớ đến ông đồ và chữ của ông dù “ông đồ vẫn ngồi đấy”. Còn gì đau xót hơn? Còn gì ghẻ lạnh hơn sự ghẻ lạnh của mọi người đối với ông đồ? Một nét đẹp văn hóa lại trôi vào dĩ vãng, mãi mãi, cùng với nỗi xót xa tới tận cùng của ông đồ và trên tất cả là của Vũ Đình Liên. Ông đã thấu hiểu trọn vẹn nghịch cảnh đáng buồn của xã hội, khi nét quý giá của dân tộc lại bị phớt lờ một cách triệt để – triệt để đên đáng sợ. Còn đâu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đồi đỏ” ngày tết?… Ngày xuân, thế nhưng lá lại vàng úa, rơi trên nền giấy đã từng đỏ, từng thăm xưa kia như nhắc nhở ông đồ hay nhắc nhở ta về sự trớ trêu của thời đại. Đó là sự úa tàn vô lí của một nét đẹp tinh thần tưởng như sẽ trường tồn mãi mãi theo thời gian. Khổ thơ kết thúc với màn mưa bụi lạnh lẽo đến thê lương. Cứ thắc mắc tại sao cảnh vật ngày xuân lại buồn bã đến thế ? Đấy là do “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ?” (Nguyễn Du) .Nỗi buồn đó đã rút hết sinh khí của trời xuân, rút hết sự đẹp đẽ, thơ mộng của màn mưa bụi, rút cả sức sống, sự xanh tươi, mơn mởn của lá cây, của chồi non ngày Tết. Lá vàng rơi hòa cùng mưa bụi, tạo nên một bức tranh tuyệt tác, nhưng là tuyệt tác của nỗi buồn, tuyệt tác của sự vô tình đáng trách. Buồn của lòng người dội vào buồn của cảnh vật hợp thành một nỗi đau xót xa da diết, dội vào lòng người đọc, ứ đầy một loại cảm xúc man mác buồn, có chút giận dữ lại thảng thót nỗi xót xa khó gọi tên.

“Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bay giờ ?”

Đối chiếu hai câu thơ đầu bài và hai câu thơ đầu đoạn để thấy được lời than khóc vọng về từ trái tim đầy lòng trắc ẩn của nhà thơ Vũ Đình Liên. Hoa đào vẫn nở, quy luật của tự nhiên nào có thay đổi. Có chăng chỉ là sự thay đổi tréo ngoe của một số phận, của một lớp người không nhắc đến. Nhưng sự biến mất của một nền văn hóa cổ xưa có lẽ nào cũng không đáng nhăc đến. Cũng phải thôi khi con tim mọi người đều đã đóng băng, thờ ơ, bạc bẽo.

“Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?”

Những người ngóng trông xin chữ ông đồ đã là “muôn năm cũ”. Không phải chỉ “cũ” nữa rồi. Giờ đây việc ông đồ được xin chữ cũng trở nên quá xa xỉ. Câu hỏi cuôi bài đã nói lên nỗi lòng xót thương của tác giả, của Vũ Đình Liên, thương thay cho một lớp người đã trôi vào cõi quên lãng, chỉ còn là những kí ức xưa cũ được người ta truyền miệng nhau rằng: Việt Nam, Hà Nội đã từng có một ông đồ, chữ ông đẹp lắm nhưng giờ không còn nữa. Ông đồ biến mất, không chỉ là sự biến mất của một số phận, mà hơn tất cả, là sự biến mất của một nền văn hóa dân tộc bền vững, tốt đẹp xưa kia.

Bằng thể thơ năm chữ giản dị mà cô đọng đầy gợi cảm, Vũ Đình Liên đã thể hiện thấm thía nỗi niềm hoài cổ và lòng thương xót vô hạn đối với ông đồ. Có lẽ ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên không chỉ là “Cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn nữa” mà là cái di tích tốt đẹp vang vọng mãi trong tâm khảm những thế hệ trẻ hôm nay, để họ ngẫm nghĩ, để họ ngấm vào lòng nỗi niềm hoài cổ và sự thương xót. Ông đồ sẽ không bao giờ bị quên lãng một lần nữa trong trái tim mỗi con người Việt Nam.

Đọc cả bài thơ, ta sửng sốt nhận ra, cuộc đời lắm rối ren đã khiến ta quên mất những gì tốt đẹp, những gì từng là tín ngưỡng, từng là sự kính trọng của nền văn hóa dân tộc. Hãy biết trân quý, những điều tốt đẹp đó trước khi quá muộn, các bạn nhé!

Bài làm 2

hochoi.net - Học Hỏi

Có thể sử dụng ctrl + F để copy code nhanh hơn nhé!